Lý do được ông Nguyễn Trùng Khánh đưa ra về thời điểm 31/3 là, thời điểm đó Việt Nam hoàn tất thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân 2022. Đồng thời, việc công bố thời điểm mở cửa để các doanh nghiệp du lịch có thời gian chuẩn bị về sản phẩm, nhân lực.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, dự kiến về mốc kế hoạch mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuẩn bị nhưng cần có sự công bố chính thức bằng văn bản của cơ quan chức năng để doanh nghiệp du lịch có kế hoạch làm việc với đối tác nước ngoài.
Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban truyền thông Hiêp hội lữ hành Việt Nam, Giám đốc Flamingo Redtour cho biết: Với khách du lịch quốc tế có thói quen lên kế hoạch chuẩn bị từ 6 – 9 tháng nên việc công bố chính thức mốc thời gian để doanh nghiệp còn lên kế hoạch từ xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, xây dựng sản phẩm hướng tới thị trường khách mục tiêu cụ thể.
Thực tế giai đoạn 1 thí điểm đón khách quốc tế từ 11/2021 đến tháng 1/2022, Viêt Nam chỉ đón khoảng 8.500 khách quốc tế. Số lượng khách quốc tế đón được ít hơn so với kỳ vọng được các doanh nghiệp du lịch cho rằng việc công bố thời điểm đón khách quá sát, khiến doanh nghiệp du lịch không có thời gian để làm việc với đối tác và từ đó có kế hoạch quảng bá tới khách hàng.
Trước đó, Hiệp hội du lịch Việt Nam cũng đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thu hút khách quốc tế với 5 giải pháp chính.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2022 diễn ra vào ngày 28/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố công khai, cụ thể về việc mở cửa trường học và các hoạt động du lịch, nêu rõ lộ trình, các điều kiện, công việc cần làm, diễn tập các phương án xử lý khi có ca nhiễm COVID, tinh thần là mở cửa sớm nhất có thể, bảo đảm an toàn, hợp lý, khoa học, hiệu quả, phù hợp tình hình. Các bộ, ngành phối hợp với Bộ Y tế để ban hành quy định phòng chống dịch trong các ngành, thống nhất thực hiện trên toàn quốc, giám sát, kiểm tra để thực hiện hiệu quả.