Thấy gì qua việc đón khách thí điểm?
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện thí điểm mở cửa đón khách quốc tế đến ngày 23/1/2022, Việt Nam đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam. Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách.
Về doanh nghiệp đăng ký tham gia đón khách, đến nay đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.
Nhận xét về việc đón khách quốc tế trong thời gian qua, ông Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho rằng: Trong số trên 8.500 khách quốc tế theo báo cáo của Tổng cục Du lịch thì đến một nửa là người Việt Nam. Đây là những người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa về được qua chuyến bay thường kỳ, những người bắt buộc phải về cùng với người nước ngoài có vợ, chồng ở Việt Nam…. Thực tế này đặt ra vấn đề người nước ngoài có nhu cầu vào du lịch ở Việt Nam như thế nào? Đây là bài toán mà ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch sớm có lời giải.
Còn ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: Ghi nhận từ các đơn vị làm dịch vụ du lịch, việc ngay khi triển khai thí điểm đã có đoàn khách quốc tế là điểm đáng ghi nhận, cho thấy khách quốc tế vẫn có niềm tin du lịch Việt Nam. Khách đến chủ yếu thông qua các chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến). Tuy nhiên, số lượng không được nhiều như kỳ vọng. Nguyên nhân do các thủ tục liên quan đến nhập cảnh, cách ly y tế vẫn còn nhiều thủ tục phức tạp…
Xác định thị trường khách
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch cho biết: Để phục hồi du lịch, khó nhất hiện nay là quy định về đi lại. Có tỉnh yêu cầu xét nghiệm có tỉnh không, rồi yêu cầu cách ly hay không cách ly… Khách nội địa đã khó thì khách quốc tế còn khó hơn. Cho nên, khi Việt Nam đã chấp nhận cho khách quốc tế vào thì sau khi họ nhập cảnh phải được đối xử như khách nội địa.
“Con số đón trên 8.500 khách quốc tế giai đoạn qua là ít. Năm 2019, Việt Nam đón gần 2 triệu khách/tháng. Có thể thấy, do quy định về phòng dịch hiện hành khiến khách rất ngại vào Việt Nam. Trước năm 2020, trong cơ cấu đón khách quốc tế, có tới hơn 60% đến từ thị trường Đông Bắc Á. Hiện tại thị trường này chưa mở cửa nên nếu Việt Nam có mở cửa đón khách quốc tế thì chỉ có thể đón được khoảng 2 triệu lượt/năm. Do đó, để thu hút khách, ngành du lịch cần xác định thị trường khách và có thời gian và chiến lược xúc tiến quảng bá, tiếp cận từ bây giờ”, ông Kiên cho biết.
Trong khi đó, ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho rằng: Chúng tôi đã đề xuất một số chính sách trong việc tạo điều kiện cho bà con gốc Việt về nước. Bộ được giao đàm phán hộ chiếu vaccine và có 10 nước đã công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam như Anh, Mỹ Nhật… Việt Nam cũng tạm công nhận hộ chiếu vaccine của 72 nước và tiếp tục đàm phán thêm. Hiện nay, thủ tục khách nhập cảnh vướng nhất là quy trình. Chúng ta phải thống nhất được từ lúc lên máy bay đến lúc xuống. Các sân bay quốc tế đều có hệ thống quét mã QR code, trong khi đó chúng ta vẫn đang ghi tay.
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, người nước ngoài khi đi du lịch Việt Nam thường chuẩn bị từ mấy tháng, do đó chúng ta phải có chính sách nhất quán. Do đó, chúng ta phải thống nhất cách quản lý khách du lịch quốc tế từ Trung ương đến địa phương” ông Lương Thanh Quảng cho biết.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: Cần đánh giá thí điểm giai đoạn 1 để từ đó rút kinh nghiệm. Với khách quốc tế, cần nhất bây giờ là thủ tục miễn visa. Do đó, trước 2020, chúng ta miễn visa cho những nước nào thì tiếp tục duy trì. Tiếp đến là xét nghiệm PCR 72 tiếng trước khi nhập cảnh. Các nước quy định thời gian này là trước khi lên máy bay. Quy định 72 tiếng trước khi nhập cảnh ở Việt Nam là không hợp lí.
Từ góc độ địa phương, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, khi mở cửa thí điểm cần có quy định thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu như vừa qua. Đồng thời, Chính phủ sớm khôi phục chính sách miễn thị thực nhập cảnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho rằng: “Việc thí điểm đón khách quốc tế ở một số địa bàn cho chúng ta nhiều kinh nghiệm. Ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch sớm có đánh giá bao nhiêu thị trường khách sẵn sàng đến Việt Nam? Vì vậy, các doanh nghiệp cần khẩn trương nghiên cứu để có chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, phòng chống dịch bệnh nhất quán từ Trung ương đến địa phương, không có sự cát cứ, khác biệt giữa các địa phương. Việc mở cửa đón khách quốc tế cần phải có đủ nhân lực và kế hoạch đào tạo lại. Việc đón khách cũng phải tìm hướng mới bởi trước đây là đông, quy mô lớn, rầm rộ nhưng nay phải theo quy mô nhỏ, đi thẳng đến nhu cầu của du khách.
Bộ VHTTDL sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế. Thời điểm mở cửa sẽ công bố rộng rãi. “Từ nay đến thời điểm đó chúng ta tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao đảm bảo được các biện pháp an toàn, thích ứng với dịch bệnh. Điều này sẽ bao gồm điều trị, tiêm chủng, xét nghiệm, giãn cách rộng hay nhỏ hẹp với phạm vi ít (bao gồm hạn chế đi lại trong nước nhập cảnh)... Việt Nam là nước tiêm chủng đứng top đầu trên thế giới. Việc tiêm vaccine có đặc điểm là dù tiêm nhưng không đảm bảo 100% không mắc, chỉ giảm nguy cơ tử vong, bệnh nặng. Trong cộng đồng chúng ta vẫn có người chưa được tiêm. Đối với việc mở cửa đón khách quốc tế, chúng tôi sẽ xem xét, rà soát để có hướng dẫn đồng bộ nhất quán đáp ứng được tình hình dịch cho người nhập cảnh.