Du lịch dịp Tết Nguyên đán 2022: Khách đi theo nhóm nhỏ

Khác với mọi năm, dịp Tết Nguyên đán là cao điểm của hoạt động du lịch, năm nay, hoạt động du lịch, vui chơi dịp Tết Nguyên đán 2022 trầm lắng hơn. Khách lựa chọn đi theo từng nhóm nhỏ, tự đặt dịch vụ hoặc thông qua đơn vị du lịch đặt một phần dịch vụ.

Chú thích ảnh
Một homestay tại điểm du lịch cộng đồng Lô Lô Chải (Hà Giang).

Mấy ngày gần đây, anh Lý Hải (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) tìm đặt phòng tại một homestay ở Sóc Sơn hoặc Ba Vì (Hà Nội) cho gia đình cùng nhóm bạn nhưng đều được báo đã kín phòng. Do đó, anh Lý Hải và nhóm bạn quyết định đặt phòng tại một homestay Thung Nai (Hòa Bình). “Chúng tôi chọn điểm homestay tách biệt để nghỉ dưỡng vì năm nay nghỉ Tết dài ngày. Ngồi nhà mãi sẽ chán nên cũng muốn cho trẻ nhỏ đi trải nghiệm không khí bản làng, văn hóa dân tộc”, anh Lý Hải cho biết.

Đây cũng là xu hướng chung lựa chọn đi du lịch dịp Tết năm nay. Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết: Do dịch diễn biến phức tạp, mỗi địa phương lại quy định khác nhau về phòng chống dịch nên ảnh hưởng đến tâm lý của du khách khi đi theo đoàn. Tuy nhiên, dịp nghỉ lễ dịp Tết Nguyên đán 2022 tận 9 ngày nên nhiều gia đình vẫn có nhu cầu đi nghỉ dưỡng, thưởng thức cảnh xuân. Do đó, các gia đình, nhóm bạn vẫn đi du lịch, trải nghiệm và hướng đến điểm nghỉ dưỡng tách biệt.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, Phó Chủ tịch CLB du lịch Thủ đô, addmin Fanpage Villa – Homestay gần Hà Nội xác nhận: Các điểm homestay, điểm du lịch nghỉ dưỡng xung quanh Hà Nội đề báo kín phòng. Nguyên nhân là do nhu cầu người dân chủ yếu lựa chọn đi du lịch nhóm nhỏ, cự ly gần, an toàn phòng dịch nên chủ động. Tuy nhiên, một phần cũng là do một số đơn vị du lịch “ôm phòng” trước. Trong khi đó, các điểm du lịch những năm trước “hot” tại Hạ Long (Quảng Ninh); Đà Nẵng, Nha Trang… vẫn còn nhiều phòng trống.

“Có thể thấy rõ lựa chọn của khách qua việc đặt dịch vụ lẻ như tuyến đi nghỉ dưỡng biển Phú Quốc; nghỉ dưỡng ven đô; tour trải nghiệm đón Tết với đồng bào dân tộc miền núi, vùng cao vòng cung Đông - Tây Bắc với điểm nhấn Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng; lễ chùa đầu năm. Do dịch bệnh nên khách sẽ hỏi kỹ về “mức độ” dịch tại điểm đến, yêu cầu phòng dịch tại địa phương”, ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.

Chú thích ảnh
Một điểm du lịch nghỉ dưỡng tại Ninh Bình

Vẫn tổ chức các tour theo nhóm khách lẻ, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty Vietfootravel cho biết, dịp Tết năm nay, đơn vị vẫn triển khai 4 sản phẩm tour xe đạp gồm: Trải nghiệm đò ngang và khám phá Cổ Loa thành; thăm Thăng Long tứ trấn; Hòa Bình – Kim Bôi – Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; Làng Văn hóa dân tộc – Đường Lâm. Những sản phẩm này đi theo nhóm nhỏ nên đảm bảo quy tắc phòng dịch, đáp ứng xu hướng mới của du lịch an toàn. Còn sau Tết, tôi đã có khách đặt các đoàn đi tuyến Nha Trang – Đà Lạt và Mộc Châu (Sơn La).

Chung quan điểm, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên phong cho biết: Vẫn có khách đặt tour theo dịch vụ lẻ. Tuy vậy khách đoàn gần như rất ít vì liên quan đến phòng dịch. Tâm lý khách e ngại do gần đến Tết nên chỉ có các nhóm khách lẻ. Theo nhận định, phải đến quý II/2022, du lịch nội địa mới ấm dần lên.

Nhận xét về du lịch dịp Tết Nguyên đán 2022, ông Phùng Quang Thắng cho rằng: Do yếu tố dịch bệnh nên để đón Tết an toàn, tránh bị nguy cơ trở thành F0 nên mọi người có xu hướng lựa chọn đợi qua Tết mới tính đi chơi. Do đó, dịp trước Tết năm nay, du lịch sẽ tương đối “im ắng”, gần như chỉ có dịch vụ lẻ đặt phòng cho sau Tết từ mùng 2 trở ra. Tuy nhiên, hoạt động du lịch sẽ sôi động hơn sau Tết, gắn liền với các lễ hội, du lịch văn hóa tâm linh và phụ thuộc nhiều vào chính sách phòng chống dịch tại các địa phương để hạn chế rủi ro.

Bài, ảnh: XM/Báo Tin tức
Phấn đấu giảm một nửa số hộ nghèo giai đoạn 2021-2025
Phấn đấu giảm một nửa số hộ nghèo giai đoạn 2021-2025

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Chương trình). Điểm đáng chú ý giai đoạn này là nâng chuẩn nghèo thu nhập và bổ sung tiêu chí việc làm từ năm 2022. Dự kiến số hộ nghèo và cận nghèo mới sẽ gần xấp xỉ với số hộ nghèo và hộ cận nghèo đầu giai đoạn 2016-2020, gấp 2,5 lần so với cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Tô Đức, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) xung quanh chủ đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN