Thậm chí, nhiều phòng chức năng của các trung tâm được đầu tư máy móc bài bản nhưng lại đóng cửa, không có người sử dụng, gây nhiều lãng phí .
Các phòng chức năng của Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Học tập cộng đồng xã Cù Bị, một xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Châu Đức hầu như không hoạt động. Đây cũng là trung tâm được đầu tư xây dựng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Cù Bị. Được biết, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Học tập cộng đồng xã Cù Bị được đưa vào sử dụng năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng. Trung tâm được xây dựng khang trang, ở vị trí đắc địa của xã, có đầy đủ các phòng chức năng nhưng luôn trong tình trạng cửa khóa trái im ỉm, không thu hút được người dân tới vui chơi, sinh hoạt. Phòng thư viện của trung tâm rất ít khi được mở. Phóng viên TTXVN đã đến xã Cù Bị vào lúc 16 giờ 30, sân của trung tâm cũng chỉ lác đác vài người chơi bóng chuyền; muốn vào được trung tâm phải chui qua lỗ hổng hàng rào vì cửa chính sân bóng chuyền đã bị khóa chặt.
Ông Nguyễn Hoàng Trí, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Học tập cộng đồng xã Cù Bị cho biết, dù đã nỗ lực song việc tổ chức các hoạt động cho các phòng chức năng của trung tâm, nhưng thực tế vẫn chưa tương xứng với công năng. Hiện mức hưởng phụ cấp của cán bộ tại trung tâm tính ra khoảng 2,2 triệu đồng/tháng. Mức phụ cấp này là quá thấp, dẫn đến không thu hút được cán bộ đến làm việc tại trung tâm.
Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Học tập cộng đồng của xã nông thôn mới Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc được xây dựng khang trang từ năm 2014, kinh phí xây dựng 37 tỷ đồng với rất nhiều phòng chức năng. Đây là công trình được xây dựng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã Bưng Riềng. Công trình có phòng làm việc, phòng thư viện, phòng máy vi tính, phòng hội họa, phòng nhạc, phòng chơi cờ tướng…Nhưng, hiện tất cả đều khóa cửa. Hai phòng máy vi tính với 35 máy chưa bao giờ được sử dụng và hiện số máy này đã có nguy cơ lỗi thời; phòng hội họa với các giá vẽ đã được trang bị đầy đủ được xếp gọn ở một góc phòng. Phòng dạy nhạc với 26 cây đàn organ, ghita xếp chồng lên nhau, số đàn này vẫn còn nguyên tem, điều đó chứng tỏ số đàn này chưa một lần được sử dụng. Các phòng chức năng còn lại như: phòng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phòng chơi cờ tướng… thỉnh thoảng mới được sử dụng.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Bưng Riềng, Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa -Thể thao - Học tập cộng đồng xã cho biết, sau khi đưa vào sử dụng trung tâm đã kêu gọi xã hội hóa để các phòng chức năng hoạt động có hiệu quả hơn, tránh lãng phí, tuy nhiên, các phòng như: vi tính, hội họa, nhạc… đều không có người đăng ký theo học. Có thời gian, trung tâm cho mượn lại các phòng chức năng để các thầy, cô mở các lớp năng khiếu và chỉ thu tiền điện nhưng cũng không có học viên theo học. Theo ông Sơn, Bưng Riềng là xã nông thôn, người dân đa số làm nông nghiệp, nên nhu cầu tham gia các hoạt động như: Khiêu vũ, học đàn, học vi tính, hội họa… hầu như không có. Do vậy, các hoạt động của phòng chức năng không được phát huy.
Không chỉ Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Học tập cộng đồng xã Bưng Riềng và xã Cù Bị mà qua khảo sát thực tế của phóng viên tại các xã Đá Bạc, Bình Trung, Bình Ba (Châu Đức), Tam Phước, An Ngãi (huyện Long Điền)… các trung tâm cũng trong tình trạng tương tự.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện các phòng chức năng của các Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Học tập cộng đồng của nhiều xã trên địa bàn Bà Rịa -Vũng Tàu hầu hết đều hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động. Các hoạt động thu hút người dân tại các trung tâm chỉ là những hoạt động ngoài trời như: bóng chuyền, bóng đá, các hoạt động thể dục…. Các đồ chơi được lắp đặt ngoài trời dành cho trẻ em cũng còn hạn chế, nhiều nơi còn thiếu và xuống cấp.
Ngoài việc thiếu nguồn nhân lực, thiếu sự chủ động tìm giải pháp cho hoạt động tại các Trung tâm Văn hóa -Thể thao -Học tập cộng đồng, lãnh đạo chính quyền địa phương các xã trên địa bàn tỉnh còn cho rằng, khi xây dựng trung tâm, ngành chức năng cũng chưa chú trọng khảo sát thực tế nhu cầu của người dân để có sự đầu tư, trang bị phù hợp. Những lý giải này càng cho thấy, lỗ hổng trong lãng phí đầu tư công là một chuỗi bất hợp lý từ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đến chính sách và cả nhân lực.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 73/82 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa -Thể thao - Học tập cộng đồng. Tuy nhiên, hiện các Trung tâm chưa này có nhiều hoạt động thu hút người dân tới sinh hoạt.
Ông Huỳnh Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, sắp tới, Sở sẽ tiến hành kiểm tra, khảo sát các thiết chế văn hóa tại tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh; đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm; từ đó, có sự định hướng, điều chỉnh và hỗ trợ kịp thời cho các địa phương; đồng thời, đưa ra những đề xuất về đầu tư, tổ chức hoạt động của các trung tâm để tránh lãng phí.