Kiểm soát sản xuất rượu thủ công - Cần mô hình quản lý mới

Quảng Ninh là một địa phương có nhiều “đặc sản” về rượu như: rượu ba kích, rượu nếp cái hoa vàng, rượu bâu của người Dao Bằng Cả, rượu mơ của vùng non thiêng Yên Tử... Tuy nhiên, Quảng Ninh không có một cơ sở nào sản xuất rượu công nghiệp và trong số 1.767 cơ sở sản xuất rượu thủ công, chỉ có 24 cơ sở (chiếm 1,35%) được cấp giấy phép sản xuất theo quy định. Kiểm soát việc sản xuất rượu thủ công trở thành một vấn đề nóng, khiến các nhà quản lý của tỉnh Quảng Ninh lo ngại về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Sản xuất rượu truyền thống. Ảnh minh hoạ - baoquangninh.com.vn

Mối lo rượu thủ công

Tại cuộc họp đầu năm 2018 về công tác quản lý an toàn thực phẩm của UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tùng đề xuất phải nâng tỷ lệ số hộ được cấp phép sản xuất rượu thủ công lên 50% trong năm 2018. Trong công tác cấp phép, nếu khó khăn ở khâu nào, ngành Công Thương và ngành Y tế phải tìm cách tháo gỡ cho người sản xuất. Ông Tùng nhấn mạnh: “Quảng Ninh phải kiểm soát được việc sản xuất rượu thủ công, nhằm tránh nguy cơ xảy ra ngộ độc rượu trên địa bàn”.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu phân tích: Uống rượu thủ công không rõ nguồn gốc có thể không bị ngộ độc ngay mà các độc tố tích lũy dần, ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Do vậy, việc kiểm soát về chất lượng rượu thủ công là vấn đề cấp bách, cần làm ngay và làm thường xuyên nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ninh Nguyễn Minh Chung cho biết: Rượu thủ công được nấu từ nguyên liệu gạo. Nếu đạt quy trình chuẩn, ngoài etanol thành phần chính của rượu, trong rượu thủ công vẫn còn chứa chất methanol (cồn công nghiệp) và aldehyd (chất độc, gây sốc rượu) và các độc tố khác với hàm lượng nhất định, có thể chưa đến ngưỡng gây ngộ độc cấp nhưng khó đào thải và được tích lũy dần trong cơ thể người.

Nếu lạm dụng nó, sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, người dùng có thể bị suy yếu thần kinh, thậm chí bị loạn thần kinh, rối loạn chức năng về gan, thận, mắt và đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh ung thư, đường tiết niệu. Hệ lụy kéo theo là làm mất ổn định an ninh, trật tự xã hội và tạo gánh nặng thêm cho ngành Y tế.

Ông Chung nhấn mạnh: Nếu rượu tự nấu mà bị pha chế thêm cồn công nghiệp sẽ trở nên độc hại, người uống có thể bị ngộ độc cấp, nguy cơ tử vong cao.

Nhiệm vụ “bất khả thi”

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đưa ra ý kiến phải cấp phép cho trên 50% số hộ sản xuất rượu thủ công trên địa bàn để kiểm soát chất lượng loại rượu này Nhưng theo những người làm công tác quản lý chuyên môn lĩnh vực cho rằng, mục tiêu này không khả thi.

Thực tế, trong số hơn 1.767 hộ sản xuất rượu thủ công trên, đa phần là các hộ nấu rượu nhỏ lẻ, kết hợp với chăn nuôi. Họ nấu rượu để lấy bỗng (sản phẩm thải của quá trình sản xuất rượu) để nuôi lợn. Rượu vừa để uống vừa để bán lẻ cho những người dân xung quanh.

Ông Nguyễn Văn Thoại, Phó Chi cục Quản lý Thị trường Quảng Ninh cho biết: Để được cấp phép sản xuất rượu thủ công, các hộ dân phải lần lượt làm đủ 4 thủ tục hành chính: mang mẫu đi kiểm nghiệm chất lượng; đăng ký tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để có được bản công bố hợp quy; đăng ký cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công tại Sở Công Thương; đăng ký thuế để được dán tem, áp thuế.

Thêm vào đó, chi phí chi trả cho phí, lệ phí đối với thủ tục hành chính cấp giấy phép sản xuất rượu là cao (khoảng gần 10 triệu/bộ hồ sơ) khiến các hộ gia đình sản xuất rượu thủ công nhỏ lẻ không mặn mà việc đăng ký cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu. Theo các hộ sản xuất rượu thủ công, việc đăng ký trên vừa làm mất chi phí vừa khiến giá rượu thủ công bị đội lên gấp rưỡi bởi mức thuế áp cho rượu khá cao (từ 30 - 50%), gây khó khăn cho người sản xuất.

Trong năm 2017, Quảng Ninh có thêm hai cơ sở được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công. Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh cho hay: Tất cả những cơ sở sản xuất rượu thủ công quy mô lớn trên địa bàn đến nay, đã hoàn tất thủ tục đăng ký sản xuất và kinh doanh (24 cơ sở). Số lượng hộ còn lại đều là các hộ nhỏ lẻ, bình quân mỗi tháng tự nấu được 100 – 300 lít. Việc kiểm soát các hộ này tự tiêu dùng hay bán lẻ số rượu ra ngoài là rất khó đối với lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Văn Thoại, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh cho biết: Năm 2017, Chi cục đã kiểm tra, xử lý 299 vụ vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 273 triệu đồng. Đặc biệt, Chi cục đã tịch thu tiêu hủy hơn 22 ngàn lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đạt quy chuẩn chất lượng, chủ yếu là loại rượu thủ công.

Ông Thoại cho hay, mặc dù xử lý nhiều nhưng thực tế mức xử phạt hành chính không đủ sức răn đe, bởi mức phạt mỗi hộ bán dưới 100 lít rượu chỉ dưới 1 triệu đồng.

Cần mô hình quản lý mới


Các nhà quản lý đều nhận định là không thể cấm việc sản xuất rượu thủ công. Tuy nhiên, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng rượu và “nói không” với rượu thủ công không rõ nguồn gốc, đòi hỏi cần có một mô hình quản lý mới hiệu quả hơn.

“Chả mực Hạ Long” không chỉ là một thương hiệu nổi tiếng, một sản phẩm OCOP Quảng Ninh (chương trình mỗi xã phường một sản phẩm), còn là mô hình quản lý thực phẩm an toàn. Trong bối cảnh thành phố Hạ Long có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chả mực khó kiểm soát chất lượng, UBND thành phố Hạ Long đã đứng ra làm thủ tục để được cấp bản quyền thương hiệu “Chả mực Hạ Long” với các quy trình sản xuất an toàn, nguồn nguyên liệu chất lượng.

Theo đó, các hộ sản xuất chả mực muốn gắn nhãn hiệu nổi tiếng này đều phải ký cam đoan thực hiện và chịu sự giám sát về nguồn nguyên liệu và quy trình sản xuất an toàn mà UBND thành phố đã xây dựng. Ai vi phạm nhãn mác đều bị xử lý nghiêm.

Cũng giống mô hình trên, hiện nay, UBND huyện Hoành Bồ đang đẩy nhanh việc triển khai xây dựng quy trình sản xuất và đăng ký nhãn hiệu rượu bâu, một đặc sản của người dân tộc Dao ở xã Bằng Cả.

Thiết nghĩ, học hỏi cách làm trên, các huyện thị, thậm chí là từng xã, phường nắm bắt tình hình thực tế địa bàn, sớm chủ động đứng ra xây dựng thương hiệu rượu thủ công địa phương với quy trình sản xuất an toàn phù hợp với tập quán, từ đó vận động tập hợp các hộ sản xuất lại. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí cho người dân, vừa thắt chặt quản lý sản xuất rượu ngay từ cơ sở.

Phó Chi cục Quản lý thị trường Nguyễn Văn Thoại đề xuất một số biện pháp quản lý: Ngoài việc tăng cường kiểm tra kiểm soát mặt hàng rượu, ngành Công Thương đang đẩy mạnh việc mở các lớp tập huấn phương pháp sản xuất rượu thủ công an toàn. Bên cạnh đó, Quảng Ninh hướng các doanh nghiệp thu mua và chế biến lại rượu thủ công của người dân. Đồng thời, kêu gọi các hộ sản xuất rượu liên kết hợp thành tổ chức, hợp tác xã làng nghề...

Mỗi năm Quảng Ninh chi 7 tỷ đồng cho công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thu ngân sách gần 7 tỷ đồng khác từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Hy vọng, với nguồn kinh phí này và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các lực lượng chức năng, mục tiêu cấp giấy phép cho 50% số hộ sản xuất rượu thủ công sẽ thực tế hơn.

Văn Đức (TTXVN)
Lái xe bọc thép quân đội đến siêu thị để cướp chai rượu
Lái xe bọc thép quân đội đến siêu thị để cướp chai rượu

Một người đàn ông tại Nga đã điều khiển chiếc xe bọc thép mà ông ta trộm của quân đội, đâm thẳng vào siêu thị chỉ để cướp chai rượu nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN