Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư: Cần sự tham gia của người dân - Bài cuối

Không dễ tuyên truyền

Những vi phạm như lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh công cộng, đánh lô, đề... vẫn diễn ra ở nhiều khu phố và để thay đổi không dễ...

 

Đằng sau tấm biển khu dân cư văn hóa số 4 phường Điện Biên cũng là những hàng quán chiếm hết vỉa hè. Ảnh: Lộc Lan

 

Phải thừa nhận, những năm qua, mô hình tổ dân số văn hóa, khu dân cư văn hóa được tập trung xây dựng đã phát huy được vai trò tích cực trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tuy nhiên, trên thực tế, việc vận động người dân tham gia phong trào không hề đơn giản và không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ.


Theo Quy chế công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa do UBND TP Hà Nội, ban hành kèm theo Quyết định số 06/2012/QĐ - UBND ngày 27/4/2012 của UBND thành phố Hà Nội, để được công nhận là tổ dân số văn hóa thì ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chí về kinh tế ổn định và từng bước phát triển, khu phố phải là khu phố có đời sống văn hóa tinh thần phong phú và dân trí được nâng cao. Ngoài ra, còn có những tiêu chí cụ thể như 80% số hộ gia đình là gia đình văn hóa, thực hiện tốt các quy định về cưới, tang và lễ hội; không có tụ điểm hoạt động mê tín dị đoan, ứng xử có văn hóa trong mọi mối quan hệ, không có tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm; có môi trường, cảnh quan xanh sạch đẹp, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè... Chiếu theo các quy định trên của thành phố, các quận, huyện triển khai về phường, xã, rồi phường xã triển khai về tổ dân phố, tổ dân phố triển khai về các hộ gia đình... Trên thực tế, trình tự và quy trình thực hiện của phong trào rất bài bản, các địa phương đều có nghị định, quy định, ban hành tiêu chí xây dựng tổ dân phố văn hóa xuống từng tổ dân phố, tổ chức tập huấn cho các cán bộ trong ban vận động (thường là tổ trưởng tổ dân phố và trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố), sau đó về tiến hành họp các hộ dân để triển khai, tuyên truyền. Tuy nhiên, để thực hiện việc này không đơn giản.


Ông Nguyễn Văn Triền, Tổ trưởng tổ dân phố văn hóa 15, phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, một trong những tiêu chí để được công nhận là gia đình văn hóa, tổ dân số văn hóa là không có quá 1% số hộ sinh con thứ 3. Tuy nhiên, khi vận động bà con thì rất nhiều người không những không nghe, còn tỏ vẻ khó chịu. Hay như việc quy định hàng tuần các gia đình cùng nhau quét dọn vệ sinh môi trường, để đường làng ngõ xóm xanh sạch đẹp, nhưng khi hô hào thì rất ít người tham gia.


Một vị tổ trưởng tổ dân phố kể, nhiều khi thấy người dân lấn chiếm vỉa hè bán hàng, ông nhắc nhở, thì nhận được câu trả lời khó nghe: “Đường của chung, của nhà ông đâu, ông có quyền gì mà cấm tôi”. Thậm chí họ còn nói thẳng: “Tôi không cần danh hiệu văn hóa, vì danh hiệu không nuôi sống được gia đình tôi”.


Đồng tình với quan điểm khó trong tuyên truyền vận động người dân tham gia hưởng ứng phong trào, tổ trưởng tổ dân phố nhà A8 (khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), bà Đinh Thị Thuận cho rằng, nhìn chung, hoạt động văn hóa, sinh hoạt ở các khu dân cư tương đối đầy đủ, nhưng không phải khu nào cũng sinh hoạt được thường xuyên và nhiệt tình. Việc người dân tham gia sinh hoạt nhiệt tình hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thành phần dân cư ở khu phố đó, nếu đa số là công chức nhà nước thì dễ vận động, nếu khu có nhiều dân lao động, dân buôn bán, dân kinh doanh... thì khó vận động, thậm chí bị phản ứng gay gắt vì như vậy ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của họ...


Rõ ràng, phong trào "Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" đã góp phần rất lớn trong việc hình thành nếp sống văn hóa, đoàn kết cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời hạn chế và đẩy lùi tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng khu dân cư ngày càng văn minh, giàu đẹp. Tuy nhiên, để phong trào thực sự phát huy hiệu quả, không mang tính hình thức, rất cần sự tham gia hưởng ứng của người dân. Đặc biệt, là các tổ dân phố nghiêm túc chấp hành đúng tiêu chí quy định, không vì chạy theo thành tích, không vì chạy theo hư danh mà xét tặng bừa bãi. Đến khi mọi người đều có ý thức và trách nhiệm tham gia, thì phong trào mới thực sự đi vào cuộc sống.

 

Nhiều gia đình dù không đăng ký gia đình văn hóa, cuối năm không bình xét, nhưng lại “tự dưng” được công nhận là gia đình văn hóa. Hỏi ra mới biết, cứ gia đình nào không bị mắc những lỗi lớn như vi phạm pháp luật thì sẽ được công nhận gia đình văn hóa...


Nhóm PV

Khu phố văn hóa... chưa văn hóa
Khu phố văn hóa... chưa văn hóa

Phong trào vận động toàn dân xây dựng văn hóa khu dân cư là một trong những nội dung quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN