Sau các huyện Đăk Hà, Ia H’Drai, Sa Thầy đến nay thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Trước diễn biến trên của dịch, ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum nhận định dịch tả lợn châu Phi rất dễ bùng phát trong thời gian tới.
“Hiện diễn biến thời tiết bất lợi sẽ ảnh hưởng đến phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Nguy cơ dịch có chiều hướng lây lan rất nhanh, diễn biến khó lường vì thời gian tới dự kiến mưa kéo dài, độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho vi rút phát tán dịch bệnh”, ông Đoàn Thanh Mai cho biết thêm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thời tiết, hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kon Tum đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm chống dịch. Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cử lực lượng cán bộ kỹ thuật về phối hợp với các địa phương và nhân dân vệ sinh chuồng trại, khử trùng, tiêu độc môi trường; khoanh vùng ổ dịch; khuyến cáo dân không tái đàn; hạn chế người dân ra, vào vùng dịch.
Cùng đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum tăng cường kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện việc khử trùng tiêu độc trong vùng dịch; tăng cường các biện pháp giám sát tình hình dịch bệnh, chủ động các nguồn, sẵn sàng cấp tạm ứng vât tư, hóa chất kịp thời cho các địa phương chống dịch. Hiện tỉnh Kon Tum vẫn đang duy trì 3 trạm kiểm dịch động vật thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y, 25 chốt kiểm dịch tạm thời do các huyện, thành phố lập.
Đến nay, tỉnh Kon Tum đã tiêu hủy gần 700 con lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi của 112 hộ chăn nuôi ở 23 thôn của 10 xã, phường ở 4 huyện thành phố trong tỉnh.
Tại tỉnh Đồng Nai, dịch tả lợn châu Phi cũng đang lây lan với tốc độ rất nhanh. Đến thời điểm hiện nay tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn đã lây lan dịch với gần 95.000 con lợn bị tiêu huỷ. Nguyên nhân chính khiến dịch lây lan nhanh và khó kiểm soát là do quá trình xử lý chất thải tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không theo quy trình khiến mầm bệnh phát tán.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 950 hộ chăn nuôi thuộc 81 xã của 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với gần 110.000 con lợn đã bị tiêu hủy.
Đặc biệt, từ đầu tháng 7 đến nay, dịch lây lan rất nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại, nguy cơ lây nhiễm rất cao vì đang giai đoạn mùa mưa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, khó khăn chính trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn là nhiều trang trại, hộ chăn nuôi còn lơ là việc áp dụng biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Hiện tổng đàn lợn của Đồng Nai có khoảng 2,1 triệu con; trong đó, quy mô chăn nuôi theo hộ gia đình nhỏ lẻ chiếm khoảng 25%. Chính những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là nơi khó kiểm soát mầm bệnh tích tụ tại các hệ thống xử lý chất thải, ao nuôi cá, vì nguồn chất thải không được xử lý đúng quy trình, trong khi đang vào mùa mưa, nguồn nước dễ phát tán, khiến dịch bệnh có nguy cơ lan rộng.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, cho rằng do hiện nay đang vào mùa mưa nên biện pháp tiêu độc khử trùng gặp nhiều khó khăn. Do đó biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng sức đề kháng cho lợn vẫn là giải pháp cần nhất lúc này để ngăn lây lan dịch tả châu Phi.
Theo thống kê của tỉnh Đồng Nai, trong tháng 7/2019 đàn lợn của Đồng Nai giảm trên 262.000 con, giảm gần 11% tổng đàn so với tháng 6/2019.
Cục Thống kê Đồng Nai, cho biết giá lợn hơi tại Đồng Nai trong nửa cuối tháng 7/2019 xuống thấp, dao động từ 28.000 – 31.000 đồng/kg lợn hơi.