Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), tính đến hết tháng 8/2014, có 47.315 đơn vị với gần 674.000 lao động tham gia BHXH còn nợ tiền BHXH, BHYT với số tiền nợ là 11.562 tỷ đồng, bằng 6,49% kế hoạch giao thu. Trong số các đơn vị nợ BHXH, BHYT, có đến trên 8.000 đơn vị đã ngừng hoạt động, trong đó có 200 doanh nghiệp nước ngoài; gần 7000 đơn vị không còn giao dịch với cơ quan BHXH với số lao động lên đến hơn 30.000.
Đây cũng là chủ đề hội thảo “Vấn đề thu, nợ BHXH, BHYT-thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” tổ chức ngày 15/10, tại Hà Nội. Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, một việc bất cập trong thực hiện Luật BHXH hiện hành là người chủ lao động khai báo số lao động ra sao thì cơ quan bảo hiểm biết vậy và không có cơ chế kiểm tra, giám sát. Đó là chưa kể tình trạng đóng muộn còn phổ biến. Năm 2013, qua giám sát cùng ngành chức năng đã phát hiện số lao động chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc là 54.372 lao động, số lao động truy đóng không đúng quy định là 1.714 lao động.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay của cả nước, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là 16 triệu người nhưng mới có gần 11 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc, còn khoảng 5 triệu lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT.Số này đa phần là hợp đồng ngắn hạn, dưới 3 tháng. Đó là lý do Luật BHXH sửa đổi trình Quốc hội kỳ hợp tới sẽ tính cả đối tượng lao động dưới 3 tháng. “Có phát sinh hợp đồng lao động phải đóng BHXH, có như vậy mới đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện khoa học Lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết.
Nguyên nhân của tình trạng nợ được BHXHVN chỉ ra: Quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay Ngân hàng, khiến doanh nghiệp cố tình chây ỳ chiếm dụng vốn để kinh doanh. Cùng với đó, cơ quan BHXH không được quyền xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao.
Các đại biểu tham dự hội thảo đề xuất đối với Luật BHXH sửa đổi đề xuất bổ xung thẩm quyền thanh tra trong lĩnh vực đóng BHXH cho cơ quan BHXH; bổ xung vào Bộ Luật hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm đoạt tiền BHXH của người lao động. Đồng thời kiến nghị với Chính phủ giao cho các Bộ ngành xây dựng trình Chính phủ ban hành văn bản quy định về quản lý và xử lý nợ BHXH, BHYT đối với đơn vị nợ để giải quyết các khoản nợ của các đơn vị được coi là mất tích, giải thể hoặc phá sản; các trường hợp tòa đã xử nhưng doanh nghiệp không còn tài sản để thu tiền nợ BHXH, BHYT. Các Bộ ngành cùng với BHXH chia sẻ thông tin liên quan đến người tham gia BHXH, BHYT và quản lý doanh nghiệp. Các tổ chức chính trị xã hội tích cực phổ biến pháp luật, giám sát và tuyên truyên để người lao động hiểu được quyền lọi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hiện còn một lực lượng lao động rất lớn, khoảng 34 triệu người chưa tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 27 triệu người dân (30% dân số) chưa tham gia bảo hiểm y tế. Đây là một vấn đề lớn chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế diễn ra ngày càng nhiều, với số lượng lớn, đã gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và nhân dân. Để khắc phục các hạn chế, yếu kém trong xây dựng và triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân.
XC