Khó xử lí thực phẩm nhiễm độc
Hiện nay, Việt Nam cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia với 337 chất (bao gồm cả hương liệu). Tuy nhiên, số phụ gia sử dụng trong chế biến thực phẩm tràn lan trên thị trường hiện nay chắc chắn nhiều hơn con số này rất nhiều. Đa phần chưa được kiểm soát một cách hiệu quả.
Đụng đâu cũng thấy vi phạm
Phụ gia là chất được chủ định cho vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm. Sử dụng phụ gia thực phẩm trái phép hoặc quá liều sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Hiện nay, lượng phụ gia mà Việt Nam tự sản xuất và tiêu thụ trong nước chiếm một lượng rất nhỏ. Còn lại, đa phần là nhập lậu từ các nước. Do đó, việc quản lí phụ gia thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn.
Việc buôn bán dễ dãi hóa chất đã dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều loại thực phẩm sử dụng hóa chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. |
Trước tình trạng buôn bán các loại hóa chất tràn lan, mất kiểm soát tại chợ Kim Biên, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các ngành chức năng liên quan siết chặt công tác quản lý và kinh doanh. Trong khi đó, đại diện Ban quản lý chợ Kim Biên cho biết hiện tại chợ Kim Biên có 21 sạp kinh doanh hương liệu, phụ gia thực phẩm. Các loại thực phẩm ở chợ này chủ yếu phục vụ nhu cầu cho người dân buôn bán nhỏ lẻ. Cả người bán và người mua đều thiếu hiểu biết về các loại phụ gia thực phẩm. Còn cơ quan quản lý dù có kiểm tra thường xuyên nhưng cũng rất khó phát hiện bởi tại chợ chưa có cán bộ chuyên trách về ngành hóa học.
Trước đó, theo kết quả khảo sát của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ năm 2008 - 2011 tại khu vực phía Bắc, có 15,6% mẫu phở, bánh giò dương tính với hàn the; 12,5% mẫu nước giải khát có chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép; 12% mẫu nước giải khát, mì ăn liền có phẩm màu kiềm... Còn tại khu vực phía Nam, hơn 17% mẫu tôm tươi, bún dương tính với phoóc - môn.
Gần đây, theo kiểm nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng (CESCON) thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trong số 30 mẫu khảo sát của 6 loại thực phẩm gồm bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt mua ngẫu nhiên tại 3 siêu thị và 5 chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, không có mẫu nào chứa hàn the nhưng có 24/30 mẫu khảo sát có chứa Tinopal thuộc 5/6 loại thực phẩm. Tinopal là chất tẩy trắng chỉ được dùng trong công nghiệp giấy và bột giặt. Việc sử dụng chất này trong thực phẩm có tác động khôn lường đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Biết nhưng khó xử lí
Trước tình trạng thực phẩm có khả năng nhiễm độc cao, người tiêu dùng chỉ biết trông cậy vào các cơ quan chức năng. Các cơ quan này hẳn là biết tình trạng thực phẩm bẩn, tuy nhiên, để xử lí được không phải là điều dễ dàng.
Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lí thị trường (Bộ Công Thương), việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập, nhiều vụ việc khó xử lí. “Các cơ sở ghi nhãn không đúng với tên sản phẩm trên hồ sơ công bố tiêu chuẩn. Song các nhãn sản phẩm này đã được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận cho phép sử dụng. Vì vậy, mặc dù bị phát hiện vi phạm nhưng cơ quan chức năng không thể xử lí. Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa cao. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chưa có ý thức khắc phục các lỗi về vệ sinh an toàn thực phẩm do đoàn kiểm tra phát hiện”, ông Lam cho hay.
Bà Vũ Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lí, Công ty Cổ phần chợ Đồng Xuân, cho biết, chợ có khoảng 2.200 hộ kinh doanh, trong đó có 172 hộ kinh doanh thực phẩm, 18 hộ kinh doanh chất phụ gia. Công tác kiểm tra, giám sát các vi phạm tại chợ gặp nhiều khó khăn. “Chợ là nơi cuối cùng của việc lưu thông hàng hóa nên hiệu quả công tác ngăn ngừa thường không cao. Mặt khác, diện tích quầy sạp nhỏ, khó khăn cho việc bày mẫu mã sản phẩm nên các hộ kinh doanh luôn có những điểm lưu giữ hàng ở ngoài chợ, rất khó để quản lí”.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho rằng, từ xưa đến nay chợ Kim Biên đã bày bán rất nhiều mặt hàng, trong đó phần lớn là các loại hóa chất. Để quản lý chợ này, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các quận, huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng hóa chất trên địa bàn thành phố; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng này; kiểm tra, xử lý nghiêm việc kinh doanh hóa chất nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ... Về lâu dài, để thuận tiện cho việc quản lý việc buôn bán hóa chất, UBND TP sẽ xây dựng Trung tâm kinh doanh hóa chất và bách hóa tổng hợp tại quận 5 dành cho mặt hàng hóa chất hương liệu thực phẩm và Trung tâm kinh doanh hóa chất dành cho mặt hàng hóa chất phục vụ công, nông nghiệp.
Bài và ảnh: Đan Phương - Hoàng Tuyết - Hoàng Dương
Bài cuối: Kiểm nghiệm thực phẩm vẫn còn bị động