Theo thỏa thuận hợp tác, chương trình sẽ đào tạo cho ít nhất 200 giảng viên, giám sát viên, hướng dẫn viên về bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, dạy bơi an toàn cho ít nhất 25,760 trẻ từ 6-15 tuổi. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tăng cường công tác phối hợp liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em, nâng cao năng lực cho các bộ ngành, tổ chức và chỉnh sửa, chuẩn hóa để áp dụng các tài liệu, hướng dẫn về bơi an toàn và kỹ năng an toàn.
Bà Đoàn Thu Huyền, Đại diện tại Việt Nam, Tổ chức Campaign For Tobacco - Free Kids (Đơn vị Vận động Chính sách Y tế toàn cầu) cho biết: “Đuối nước hoàn toàn có thể phòng chống nếu mỗi gia đình và cá nhân chủ động quan tâm hơn nữa và đảm bảo an toàn cho các con. Biết bơi là quan trọng nhưng không đủ, trẻ cần có kỹ năng an toàn trong môi trường nước, chủ động bảo vệ bản thân trong những tình huống xấu”.
Cách đây 5 năm, lần đầu tiên chương trình Phòng chống đuối nước trẻ em được thực hiện với hỗ trợ 2,1 triệu USD và được triển khai thí điểm tại 8 tỉnh có tình trạng đuối nước ở trẻ em cao nhất cả nước.
Trong 5 năm qua, chương trình đã đạt được kết quả đáng kể với 800 nhân viên nòng cốt và tuyến tỉnh được đào tạo chuẩn về bơi an toàn, phòng chống đuối nước, 29,849 trẻ từ 6 đến 15 tuổi được dạy bơi an toàn và 50.200 trẻ em được học kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại trường học.
Cùng với đó, chương trình đã xây dựng 14 bể bơi thông minh, huy động 73 bể bơi địa phương để phục vụ các lớp dạy bơi an toàn cho trẻ đồng thời triển khai các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực của cán bộ trong ngành giáo dục về quản lý và điều phối chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em.
Tại một số địa phương, sau khi có can thiệp, kiến thức của người dân về vấn đề đuối nước có sự cải thiện rõ rệt: nhận thức về nguy cơ tử vong do đuối nước ở khu vực can thiệp tăng từ 63.3% lên 73.5%; nhận thức về nhóm tuổi trẻ bị đuối nước tăng từ 47.1% lên 68.1%.