Hà Tĩnh: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19

Hà Tĩnh đã chi trả hơn 68 tỉ đồng cho gần 55.500 đối tượng theo đúng quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ ngày 9/4/2020 về triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và Quyết định số 15/2020/TTg ngày 24/4 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương tập trung thực hiện với tinh thần “hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng”. Đến nay, Hà Tĩnh đã chi trả hơn 68 tỉ đồng cho gần 55.500 đối tượng.

Hỗ trợ đúng, kịp thời cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội

Ngay sau khi có chủ trương từ Chính phủ, Hà Tĩnh đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Cùng với việc chủ động cấp ứng kinh phí hơn 221 tỉ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập hai đoàn giám sát theo hai nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động với sự tham gia của cán bộ mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội.

Tổ dân phố 2, thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) có 48 đối tượng thuộc nhóm bảo trợ xã hội được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP. Danh sách các đối tượng do Ủy ban nhân dân thị trấn Thạch Hà gửi về được thông báo và niêm yết tại nhà văn hóa tổ dân phố, đồng thời tổ trưởng tổ dân phố lên loa phát thanh thông báo rộng rãi đến toàn thể nhân dân. Ông Phan Văn Minh, Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 2, thị trấn Thạch Hà cho biết: "Đồng thời với việc thông báo rộng rãi, chúng tôi đã vận động và khuyến khích bà con phát huy vai trò giám sát của mình. Mọi thắc mắc của người dân đều được cán bộ tổ dân phố giải thích tường tận, chu đáo".

Tại thị trấn Thạch Hà, ngày 29/4, sau khi có lệnh cấp tiền của UBND huyện Thạch Hà, UBND thị trấn đã làm thủ tục rút tiền và thông báo đến tận các đối tượng chi trả thuộc hai nhóm: Người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Đến nay, các nhóm đối tượng đã nhận tiền đầy đủ.

Chú thích ảnh
Tại nhà bà Nguyễn Thị Mai, 78 tuổi, thân nhân liệt sỹ ở thị trấn Thạch Hà, Hà Tĩnh, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận sự chi trả kịp thời của địa phương. 

Bà Nguyễn Thị Mai, 78 tuổi, thân nhân liệt sỹ (ở tổ dân phố 2, thị trấn Thạch Hà) cho biết: Quá trình thực hiện chính sách của Nhà nước được chính quyền các cấp tiến hành rất khẩn trương và minh bạch, số tiền hỗ trợ được trao trả rất kịp thời. Số tiền trợ cấp 3 tháng sẽ giúp bà có thêm động lực để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo bà Nguyễn Kim Xuyến, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Tĩnh, sau khi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh chuyển cơ sở dữ liệu quản lý nhóm đối tượng gia đình chính sách và bảo trợ xã hội, thành phố Hà Tĩnh đã khẩn trương rà soát, đối chiếu, bổ sung các đối tượng nằm trong chính sách đang có mặt trên địa bàn để tránh sự trùng lặp về đối tượng thụ hưởng, từ đó giải ngân nguồn hỗ trợ một cách kịp thời, chính xác.

Nhờ đó, tính đến chiều 30/4, thành phố Hà Tĩnh đã hoàn thành việc giải ngân nguồn hỗ trợ cho hơn 9.300 đối tượng thuộc ba nhóm: Người có công với cách mạng hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên; nhân khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong việc giám sát, sau khi về tận cơ sở, bước đầu các đoàn giám sát ghi nhận tinh thần khẩn trương, kịp thời vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp đã nhanh chóng lập danh sách, thẩm định, thực hiện rà soát, chi trả đến tận tay cho người dân.

Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai

Ông Đặng Văn Dũng, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết. Tỉnh chỉ đạo riêng đối với các nhóm đối tượng: người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội, căn cứ cơ sở dữ liệu đã có sẵn tập trung làm trước, chuyển về xã phường rà soát và cơ bản hoàn thành chi trả trước ngày 10/5.

Quá trình thực hiện việc chi trả bồi thường sự cố môi trường biển trước đây cũng để lại cho Hà Tĩnh nhiều bài học kinh nghiệm trong việc phát huy tối đa vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc giám sát chi trả, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Ngoài hai đoàn giám sát cấp tỉnh do lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh làm trưởng đoàn, tại các huyện cũng thành lập thêm các đoàn giám sát của Mặt trận cấp huyện, cấp xã.

Chú thích ảnh
Danh sách các đối tượng được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP được dán công khai tại Nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố để người dân được theo dõi. 

Để việc chi trả nguồn hỗ trợ được kịp thời đến với các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động về mặt kinh phí, cấp ứng hơn 221 tỉ đồng từ nguồn dự trữ tài chính (200 tỉ đồng) và nguồn dự phòng ngân sách tỉnh (21,161 tỉ đồng) cho các địa phương để tổ chức chi trả hỗ trợ người dân.

Các chính sách an sinh xã hội theo Nghị Quyết 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ là chính sách chưa có tiền lệ, đối tượng hưởng lợi rộng nên quá trình triển khai ở cơ sở còn nhiều lúng túng. Bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ tại tỉnh Hà Tĩnh cũng nảy sinh một số khó khăn vướng mắc, cần sớm bổ sung giải pháp để tháo gỡ. 

Theo ông Đặng Văn Dũng, Quyết định 15/2020/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 42 của Chính phủ, nhưng trong văn bản lại không quy định mức hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng được nêu trong Nghị quyết 42. Vì vậy khi triển khai, các địa phương thiếu các căn cứ quan trọng để xem xét, giải quyết chính sách.

Theo đó, trong sáu nhóm đối tượng thuộc nhóm lao động tự do chưa quy định chi tiết đến từng công việc cụ thể của người lao động, dẫn đến các địa phương và bản thân người dân kê khai không nhận diện được bản thân mình thuộc đối tượng nào.

Một khó khăn nữa là, hệ thống biểu mẫu hồ sơ tác nghiệp giữa các cấp chính quyền cũng như hồ sơ kê khai ban đầu của người dân và đối tượng không đồng bộ, thiếu nhiều trường dữ liệu quan trọng dẫn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và chống trùng khó thực hiện.

Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, đơn vị sẽ báo cáo thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh, UBND, HĐND tỉnh Hà Tĩnh về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15/2020/TTg. Sở kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về những khó khăn, vướng mắc của địa phương.

Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cùng các ngành liên quan sẽ chỉ đạo doanh nghiệp theo từng lĩnh vực phụ trách để hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ kê khai. Tỉnh Hà Tĩnh đặt ra mục tiêu đến ngày 19/5, tại các huyện, thị, thành phố sẽ xong phần thẩm định và phê duyệt danh sách đợt 1 của tháng 4/2020 cho các đối tượng thuộc nhóm doanh nghiệp, lao động.

Bài và ảnh: Hoàng Ngà (TTXVN)
Trên 2.000 người dân Thanh Hóa làm đơn xin không nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ
Trên 2.000 người dân Thanh Hóa làm đơn xin không nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ

Trên 2.000 người dân huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) thuộc diện các gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ nghèo, cận nghèo đã tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ để nhường cho những người khó khăn hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN