Lực lượng chức năng quận Đống Đa tháo dỡ biển quảng cáo vi phạm của hộ kinh doanh trên phố Xã Đàn. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Đề cập đến những tồn tại trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm của chính quyền quận, huyện nên công tác này thời gian gần đây đã đạt được kết quả khả quan, góp phần giảm khiếu nại, tố cáo của người dân. Tuy nhiên, những tồn tại còn lại trong lĩnh vực này phần lớn đều là những trường hợp rất khó, đòi hỏi phải quyết liệt để tháo gỡ.
Đối với vấn đề môi trường, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đang trong tình trạng cấp bách, đáng báo động. Thành ủy Hà Nội đang tập trung các giải pháp và nguồn lực để quyết tâm giải quyết vấn đề này. Đặc biệt, hiện nay, việc đầu tư vào các khu công nghiệp, làng nghề đang tiếp tục gia tăng, nếu không quản lý vấn đề môi trường quyết liệt ngay từ đầu, giải quyết những tồn tại cũ, bảo đảm môi trường ở những cơ sở mới thì hậu quả để lại thế hệ sau sẽ phải gánh.
Những thách thức về môi trường đối với người dân Thủ đô hiện nay rất lớn trong khi kết cấu hạ tầng về vệ sinh môi trường chưa đáp ứng yêu cầu; biến đổi khí hậu cũng làm ảnh hưởng xấu đến môi trường thành phố. Xác định tầm quan trọng chiến lược về môi trường, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11 – NQ/TW ngày 31/5/2017 về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo", UBND thành phố cũng đã có kế hoạch để triển khai.
“Cần phải có quyết tâm chiến lược, huy động sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị. Công tác đảm bảo môi trường cần nguồn vốn lớn, nếu không cương quyết, có trách nhiệm sẽ rất khó thực hiện, không đạt mục tiêu đề ra”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho hay.
Để Nghị quyết 11 đi vào cuộc sống, đảm bảo Hà Nội là thành phố đáng sống, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu các cơ quan chức năng, cấp chính quyền, các đơn vị xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường nước mặt, bảo vệ bền vững môi trường tài nguyên nước; tập trung quản lý nguồn nước xả thải; quản lý hiệu quả nguồn chất thải độc hại, chất thải rắn, tránh gây nguy hiểm ra môi trường.
Đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ghi nhận những kết quả đạt được góp phần tạo chuyển biến bộ mặt đô thị. Song, Bí thư cũng lưu ý, hiện nay vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, quan liêu, các vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị xử lý chưa nghiêm nên vi phạm vẫn còn tái diễn. Để trật tự đô thị đi vào nền nếp cần phải có giải pháp cụ thể, quyết liệt triển khai. Nếu buông lỏng quản lý vi phạm sẽ ngày càng tăng, do đó cần phải lên kế hoạch xử lý từng trường hợp vi phạm, không để phát sinh thêm vi phạm mới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn quận luôn là "điểm nóng" và là một trong những nguyên nhân gây mất ổn định trật tự, an ninh trên địa bàn. Nhờ tích cực huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị nên năm nay quận đã vượt chỉ tiêu về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký đất đai lần đầu cho các hộ dân, tạo nguồn lực tài chính cho thành phố cũng như đưa công tác quản lý đất đai trên địa bàn quận đi vào nền nếp.
Từ đầu năm đến nay, quận đã cấp được 1.230 giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư, cao gấp 8 lần so với năm 2014. Công tác quản lý đất đai trên địa bàn đã đi vào nền nếp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số khu vực vì nhiều lý do vẫn chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân như gần 1000 hộ dân thôn Tân Mỹ, khu dân cư Đài Tiếng nói Việt Nam, 900 trường hợp lấn chiếm hành lang sông Nhuệ, gần 1.000 hộ dân lấn chiếm đất công làm nhà ở trên địa bàn quận... Quận kiến nghị thành phố chỉ đạo đơn vị chức năng sớm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ trong vấn đề quy hoạch, có cơ chế chính sách để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân.
Ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã nêu lên những khó khăn trong quản lý trật tự độ thị trên địa bàn, đặc biệt là khó khăn trong bố trí giao thông tĩnh, xử lý vi phạm trật tự hè, đường, đồng thời kiến nghị thành phố cho bố trí sắp xếp xe máy ở vỉa hè phố cổ có mặt cắt ngang từ 2,5 – 3,5m thay cho quy định vỉa hè phải rộng trên 3,5 m như hiện nay và được để xe sát mặt vỉa ba toa, phù hợp với thực tế địa bàn quận. Ngoài ra, thành phố cũng sớm có giải pháp bố trí các bãi đỗ xe ngầm, nổi để giải quyết nhu cầu đỗ xe rất lớn trên địa bàn.
Nghị quyết 11 đã đưa ra 4 giải pháp tăng cường bảo vệ môi trường thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát môi trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường; tập trung các nguồn lực và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường.