Công nhân vớt rác trên một đoạn sông đầy rác thải và bọt hóa chất phủ đầy mặt sông Nhuệ, đoạn qua phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
Từ thực tiễn quản lý, triển khai thực hiện cho thấy, Hà Nội thiếu tư duy quy hoạch môi trường, quản lý môi trường đô thị chưa đồng bộ, trong khi đó, lực lượng và năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý về môi trường tại nhiều đơn vị còn yếu, đặc biệt nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng còn hạn chế.
Điều này khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn có xu hướng gia tăng, trong khi Hà Nội vẫn chưa có các quy định riêng về công cụ và chế tài xử lý các vi phạm môi trường, dù đã có Luật Thủ đô.
Báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay của Hà Nội là ô nhiễm không khí (bụi và khí độc khu vực nội thành, các công trường xây dựng, khu vực làng nghề và khu công nghiệp, đốt rơm sau thu hoạch); ô nhiễm nước mặt trong các hồ đô thị, sông và kênh thoát nước, ô nhiễm nước ngầm; ô nhiễm chất thải rắn, rác thải sinh hoạt không phân loại tại các đô thị; ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư nông thôn…
Để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra những bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn đến năm 2020 và những năm tiếp theo với những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, cụ thể.
Trong đó, thành phố tập trung bảo vệ môi trường nước mặt và sử dụng bền vững tài nguyên nước; quản lý tốt các nguồn xả thải; cải tạo sông, hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt kết hợp với xây dựng hồ điều hòa mới và bảo vệ kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô…
Theo kế hoạch, từ nay đến 2020, Hà Nội phấn đấu hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ; xử lý thành công tất cả các hồ nội thành và các hồ gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị ô nhiễm nghiêm trọng; 100% người dân ở nông thôn được dùng nước sạch; 100% các khu, cụm công nghiệp hiện đang hoạt động hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo xử lý đạt Quy chuẩn Việt Nam trước khi thải ra môi trường; 100% các bệnh viện và trung tâm y tế do thành phố quản lý có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường...
Thành phố kiến nghị Bộ Y tế và các bộ chủ quản đầu tư, xử lý nước thải đạt khoảng 90% số bệnh viện tuyến Trung ương; 100% các bệnh viện tư nhân có hệ thống xử lý nước thải.
Hà Nội sẽ quy hoạch để đưa các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm lớn tại các làng nghề ra khu sản xuất tập trung; phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường đối với số hộ làm nghề có nguồn xả thải.
Đối với môi trường không khí, thành phố yêu cầu 100% các công trường xây dựng phải được che chắn và áp dụng những biện pháp giảm bụi; 100% cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản có giải pháp bảo vệ môi trường đảm bảo quy định hiện hành; áp dụng công nghệ hiện đại để giảm thiểu khí thải từ phương tiện cơ giới, xe tải, xe buýt…
Thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt từ 95-100%. Bên cạnh đó, phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải còn 30%, tăng tỷ lệ rác thải được tái chế theo công nghệ tiên tiến hiện đại; 100% phế thải xây dựng được thu gom tập kết đúng nơi quy định…
Cũng theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, trong giai đoạn này, cơ quan chức năng phải hoàn thành đúng tiến độ Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; tập trung xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, đảm bảo dòng chảy vào mùa khô; đồng thời xây dựng, triển khai các phương án tạo cảnh quan, xử lý môi trường nước, từng bước làm “sống lại” sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy.
Với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2020, thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành tăng cường năng lực và phối hợp trong việc giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường.
Một đoạn sông Tô Lịch qua địa bàn quận Cầu Giấy bị cạn trơ bùn, ô nhiễm nặng. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
Việc triển khai, thực hiện phải tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, đồng bộ, gắn với việc thực hiện các chương trình công tác lớn của Thành ủy và chủ trương, chính sách của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố.