Hà Nội: Nhiều doanh nghiệp chủ động nộp nợ đọng bảo hiểm sau thanh tra

Trước thực trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội cao nhất cả nước (tính đến hết tháng 9/2017 là gần 3.378 tỷ đồng), Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để gỡ nút thắt, thu hồi nợ bảo hiểm của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Bảo hiểm xã hội thành phố đã tổ chức thanh tra liên ngành gồm Bảo hiểm xã hội, Công an thành phố, Liên đoàn Lao động, Cục Thuế thành phố đối với các doanh nghiệp nợ được thực hiện cao điểm từ 1/9 đến hết tháng 10/2017.

Nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội chủ động nộp tiền nợ đọng bảo hiểm sau thanh tra. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Đoàn thanh tra tập trung thanh tra các nội dung: Vệc thu nộp bảo hiểm; quản lý hồ sơ, sổ sách theo dõi việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động; cập nhật biến động tình hình tăng, giảm lao động để đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng với cơ quan chức năng; giải quyết chế độ ốm đau thai sản cho người lao động...

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, cùng với việc thanh tra, kiểm tra những nội dung trên, đoàn liên ngành còn tìm hiểu nguyên nhân nợ đọng; động viên doanh nghiệp tìm cách nộp số tiền nợ cho người lao động; giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện một số chính sách liên quan đến bảo hiểm... Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nộp tiền nợ đọng bảo hiểm sau thanh tra.

Đến nay, 581 đơn vị đã khắc phục số tiền nợ tại thời điểm thanh tra, kiểm tra, với tổng số tiền thu hồi được là 179,6 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tháng 9/2017, có 40/94 (chiếm 42,5%) đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã chủ động nộp ngay số tiền nợ khi nhận quyết định thanh tra, kiểm tra; tăng 5,2% số đơn vị chủ động nộp số tiền nợ so với tháng 8/2017.

Để tiếp tục tập trung thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, hoàn thành chỉ tiêu giảm nợ, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đặt ra một số giải pháp; trong đó, tiếp tục phối hợp tốt các sở, ngành chức năng thực hiện hiệu quả công tác thu hồi nợ đọng.

Đặc biệt, không để các doanh nghiệp lách luật, chiếm dụng trái phép bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng như chủ động đăng tải danh sách đơn vị có số nợ đọng bảo hiểm xã hội lớn từ 6 đến 24 tháng lên Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội phố Hà Nội.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết đang chỉ đạo bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã chủ động đôn đốc các đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngay từ tháng nợ đầu tiên; hoàn thiện hồ sơ chuyển sang Liên đoàn Lao động cùng cấp khởi kiện các đơn vị cố tình chây ỳ trong việc trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đẩy mạnh tuyên truyền đối thoại, tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người lao động và doanh nghiệp.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Nhiều vướng mắc trong thanh quyết toán Bảo hiểm y tế
Nhiều vướng mắc trong thanh quyết toán Bảo hiểm y tế

Ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế, cho biết: Hiện nay công tác giám định BHYT có rất nhiều vướng mắc, trong đó lực lượng giám định viên vừa thiếu vừa yếu khi cả ngành chỉ có 2.300 giám định viên BHYT, trong khi hệ thống y tế có đến 3.000 cơ sở y tế tuyến huyện, 11.000 trạm y tế xã, chưa kể các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN