Khối lượng công việc cần giám định rất lớn với hơn 150 triệu hồ sơ/năm. Như vậy, trung bình mỗi giám định viên phải thẩm định khoảng 5.000 hồ sơ/tháng. Nhưng hiện chỉ có khoảng 50% giám định viên có chuyên môn bác sỹ, dược sỹ. Bên cạnh đó, không thể cử giám định viên không có chuyên môn về y, dược đi giám định chỉ định của bác sỹ, ông Nam nói.
Tại các địa phương, những vướng mắc về thuật ngữ, các quy định được áp dụng cứng nhắc lại gây lúng túng cho các cơ sở y tế. Bác sỹ Dư Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam phản ánh, hiện nay định mức chẩn đoán hình ảnh, siêu âm được quy định chỉ thanh toán trong 8 giờ làm việc hành chính là bất hợp lý bởi nhiều tình huống cấp cứu ngoài giờ phải chỉ định kỹ thuật này. Khái niệm điều trị cấp cứu luôn gây tranh cãi giữa bác sỹ điều trị và giám định viên. Do đó, cần thống nhất một khái niệm cấp cứu vừa đúng chuyên môn, vừa đúng với thực tế.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra bệnh nhân nằm viện vẫn còn quá cứng nhắc do không phải lúc nào bệnh nhân nằm viện cũng nằm một chỗ trên giường bệnh, nhưng khi giám định viên kiểm tra bất ngờ nếu không có bệnh nhân nằm trên giường bệnh thì ngay lập tức bệnh viện sẽ bị xuất toán.
Bác sỹ Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, cho hay nhiều bệnh nhân không biết chữ, bệnh viện đã cho lăn tay nhưng Bảo hiểm xã hội (BHXH) không thanh toán. Cơ sở y tế cũng rất khó kiểm soát thời hạn sử dụng của các đối tượng như công an, quân đội hoặc người lao động nghỉ việc giữa chừng. Khi không kiểm soát được thường bị cơ quan BHXH xuất toán trong khi đó không phải là lỗi của cơ sở y tế.