Tư vấn BHYT tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội). |
Linh hoạt thu
Ông Hoàng Văn Luân, khu Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ) vừa mới mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình cho cả gia đình 6 người với số tiền 2,3 triệu đồng. Đây là năm thứ hai ông Luân mua BHYT cho cả gia đình, gồm 3 thế hệ. Động lực chính khiến ông mua mua BHYT cho cả gia đình là vợ ông bị ung thu vòm họng gần 7 năm nay.
“Đi khám rất tốn kém, mỗi lần hết cả chục triệu đồng; các bác sĩ viện K, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội khuyên gia đình mua thẻ BHYT. Quả thực sau khi mua thẻ, chi phí khám, giường bệnh… giảm đáng kể. Từ thực tế của gia đình tôi, tôi có khuyên các hộ trong vùng mua nhưng ít người tham gia”, ông Hoàng Văn Luân chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện đại lý BHYT thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Tỷ lệ người dân có thẻ BHYT chiếm 70%. Số còn lại chưa tham gia BHYT chủ yếu là hộ nông dân và làm người buôn bán. Vận động 1 gia đình nông dân cả chục người mua BHYT sẽ rất khó. Do đó, để mở rộng được đối tượng tham gia BHYT thì trước tiên tăng chất lượng khám với người bệnh tham gia BHYT thì tự khắc người dân thấy lợi ích sẽ tham gia. Còn như hiện nay, người tham gia chủ yếu là đối tượng diện bắt buộc hoặc là gia đình có người nhà mắc bệnh cần khám BHYT. Trong năm 2016, đại lý bán BHYT thị trấn Xuân Mai mới hơn 400 thẻ BHYT theo hộ gia đình.
Còn ông Trần Văn Hoan, Giám đốc BHXH huyện Chương Mỹ cho biết: “Để thực hiện chỉ tiêu tăng đối tượng tham gia BHYT, BHXH huyện đã tham mưu cho UBND huyện rà soát lại toàn bộ chỉ tiêu tham gia BHYT các xã với mục tiêu phấn đấu đạt 79,8% trong năm nay”.
Theo đó, đối tượng đầu tiên triển khai cấp thẻ BHYT là người nghèo và cận nghèo đa chiều được ngân sách thành phố hỗ trợ 100%. Ngay cuối tháng 6 khi cập nhật danh sách đối tượng này, BHXH huyện cấp ngay thẻ BHYT cho đối tượng này. Tiếp đến là đối tượng học sinh sinh viên với khoảng 20.000 đối tượng. UBND huyện đã họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt tuyên truyền tới phụ huynh. Năm học 2013-2014, do chưa được quan tâm nên chỉ đạt có 44%. Sau khi mở rộng tuyên truyền, nhất là nhận thức từ phụ huynh học sinh và quan tâm từ các trường nên năm học 2014-2015 lên được 67%, năm học 205-2016 tỷ lệ tăng lên 78% và năm học 2016-2017 dự kiến đạt gần 80%. Năm nay, BHXH tham mưu cho chính quyền huyện, nếu thu một đợt thì thu ngay đầu năm học, còn thu 2 đợt thì thu đầu học kỳ. “Do tỷ lệ người dân tham gia BHYT được tính vào chỉ tiêu kinh tế xã hội nên UBND các cấp phải vào cuộc để mở rộng với 2 đối tượng trên”, ông Trần Văn Hoan cho biết.
Đối tượng vận động khó nhất tham gia BHYT là nông dân. Để mở rộng đối tượng trên, BHXH huyện vẫn xác định phải nâng cao nhận thức qua tuyên truyền bởi thực tế nếu chưa ốm thì người dân chưa quan tâm. Do đặc điểm huyện Chương Mỹ giáp với nội thành nên từ sáng sớm người dân vào nội thành làm ăn nên khó tiếp cận thông tin. Do đó, BHXH huyện phối hợp với truyền thanh xã tuyên truyền nội dung băng từ 5giờ sáng sớm theo phương châm mưa dầm thấm lâu. “Người dân bỏ ra 653.000 đồng/năm và được giảm trừ theo số người mua trong hộ, trong khi khám thì theo bệnh trả tiền. Đây là ưu thế của thẻ BHYT, đặc biệt là khi thông tuyến khám chữa bệnh cấp huyện cũng như việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sắp tới, những người nông dân càng cần thẻ BHYT để “phòng thân”. Nhờ đó, những tháng đầu năm nay đã mở rộng thêm 4.000 thẻ BHYT theo hộ gia đình. Bên cạnh đó là linh hoạt phương thức thu, nếu người dân khó khăn sẽ thu theo 3 tháng/lần, đóng bao nhiêu thu bấy nhiêu để tạo thuận lợi cho người dân”, ông Trần Văn Hoan cho biết.
Đồng bộ giải pháp
Đến nay, tỷ lệ số dân trên địa bàn thành phố tham gia BHYT đạt 78,2%. Để đạt chỉ tiêu hơn 90% tham gia BHYT, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đề ra các giải pháp đồng bộ. Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện còn hơn một triệu đối tượng chưa tham gia BHYT.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết: Đối với Hà Nội khó khăn nhất là đối tượng nông dân do kinh tế hộ nông dân còn khó khăn. Để mở rộng đối tượng này, trước hết đẩy mạnh tuyên truyền và vận động thông qua tổ chức đoàn thể theo phương châm mưa dầm thấm lâu. Theo quy định mới của Chính phủ, người dân tự khai số thành viên trong gia đình để từ đó đăng ký mua thể, còn ngành BHXH sẽ chỉ hậu kiểm. Đây là sự linh hoạt tối đa cho người dân trong điều kiện dân số theo hộ khẩu thường xuyên như hiện nay.
Bên cạnh đó, theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội tập trung nhiều trường cao đẳng, đại học nhưng tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên mới đạt 88,7%. Hiện vẫn còn khoảng 76.000 sinh viên và gần 118.000 học sinh chưa tham gia BHYT. Do đó, cùng với giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHYT, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ phối hợp với một số sở, ngành đề xuất UBND thành phố Hà Nội tăng thêm mức hỗ trợ 20% mức đóng BHYT cho những học sinh phổ thông các huyện ngoại thành, nâng mức hỗ trợ của đối tượng này lên 50%. Theo tính toán BHXH thành phố Hà Nội, năm học này, số tiền hỗ trợ cần đến 80 tỷ đồng.
Là một địa bàn lớn có nhiều đơn vị doanh nghiệp hoạt động với số lượng lớn người lao động, nhưng số người tham gia BHYT ở Hà Nội còn ít ỏi. Hiện nay, chỉ có khoảng hơn 40% số doanh nghiệp đóng BHYT, BHXH cho người lao động. Việc khó xác định số lao động, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn là trở ngại lớn nhất để mở rộng đối tượng tham gia BHYT. BHXH thành phố Hà Nội phấn đấu có hơn 70% số doanh nghiệp đang hoạt động tham gia BHYT với giải pháp là rà soát các doanh nghiệp phát sinh mã số thuế để tuyên truyền, hướng dẫn tham gia BHYT. Với các doanh nghiệp đã tham gia BHYT, phải thường xuyên kiểm tra, yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng BHYT cho người lao động.
Bên cạnh đó, để tăng số người tham gia BHYT, điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm sự hài lòng của người bệnh. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ giảm bớt các phàn nàn của người bệnh về những phiền toái trong thủ tục khám và chế độ hưởng khi khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT.