TTXVN phản ánh những vấn đề còn tồn tại ở Chu Phan với hy vọng sự việc sớm được giải quyết dứt điểm.
Có dấu hiệu “biến tướng” đất côngNgày 15/12/2003, UBND huyện Mê Linh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X481657 cho ông Nguyễn Văn Hải thửa đất số 466 tờ bản đồ số 05, diện tích 240m2 mục đích sử dụng là đất ở. Tuy nhiên, nhiều người dân trên địa bàn xã đã phản ánh đến cơ quan báo chí cho rằng có nhiều khuất tất trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Hải, hiện đang là Chủ tịch UBND xã Chu Phan.
Khu đất bị đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đã mọc lên ngôi nhà 2 tầng kiên cố và chủ hộ là Chủ tịch UBND xã Chu Phan Nguyễn Văn Hải. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Tần, xóm 3, thôn Nại Châu, xã Chu Phan (Mê Linh, Hà Nội) cho rằng: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Hải là chưa đúng quy định, cần được làm rõ, sai đến đâu xử lý nghiêm đến đó, để tạo niềm tin trong nhân dân, nhất là khi ông Nguyễn Văn Hải đang là người đứng đứng đầu chính quyền địa phương.
Trước sự việc trên, UBND huyện Mê Linh đã lập tổ công tác để xác minh thông tin công dân tố cáo. Ngày 11/4/2016, tổ công tác của huyện Mê Linh đã làm việc với các bên liên quan để xác minh nguồn gốc đất. Tại buổi làm việc giữa tổ công tác với ông Nguyễn Quang Thường, nguyên cán bộ địa chính xã thời kì 1989 - 2014 đã làm rõ: Nguồn gốc đất của hộ gia đình ông Hải là do Hợp tác xã Nại Châu giao năm 1996, thửa đất số số 466 có trên tờ bản đồ số 05 bản đồ 299 đo đạc năm 1986 là do được kẻ vẽ thêm năm 1996, sau khi hộ ông Hải được cấp đất.
Do ông Thường kẻ vẽ thêm thửa đất trên vào bản đồ đo đạc năm 1986, nên việc xét duyệt cho hộ ông Nguyễn Văn Hải có nguồn gốc đất là năm 1978 được giao là sai. Kéo theo việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Hải sau này vào năm 2003 là cũng sai quy định.
Trên cơ sở đó, tổ xác minh kết luận: Việc kẻ vẽ thêm thửa đất 466 tờ bản đồ số 05 đo đạc năm 1986, để làm cơ sở năm 2003 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Nguyễn Văn Hải là không đúng quy định. Trách nhiệm thuộc ông Nguyễn Quang Thường, nguyên cán bộ địa chính xã thời kì 1989 - 2014. Ngày 30/8/2003, ông Nguyễn Văn Hải làm đơn xin đăng kí quyền sử dụng đất với nguồn gốc sử dụng đất cấp năm 1978 là sai về nguồn gốc. Trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Chu Phan.
Ngày 12/4/2016, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Trần Thanh Hoài đã ban hành công văn số 131/KL - UBND nêu rõ: Chủ tịch UBND huyện giao phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện năm 2003 (nay là Phòng Tài nguyên và Môi trường), UBND xã Chu Phan, Hội đồng xét duyệt đăng ký đất đai xã Chu Phan năm 2003 và ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Chu Phan để xảy ra những tồn tại nêu trên theo quy định.
Đồng thời, Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND huyện Mê Linh thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X481657, số vào sổ 02477QSDĐ/2162/QĐ - UB ngày 15/12/2003 và đề nghị hộ ông Nguyễn Văn Hải kê khai đăng ký công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc xử lý các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm nêu trên vẫn chưa được giải quyết triệt để. Khu đất bị đề nghị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng trên thực tế, tại đây đã mọc lên ngôi nhà 2 tầng kiên cố và chủ hộ là Chủ tịch UBND xã Chu Phan Nguyễn Văn Hải.
Xâm phạm di tích lịch sử quốc giaNgười dân nơi đây còn phản ánh: Lãnh đạo xã Chu Phan đã tự ý cải tạo xây dựng khuôn viên đền Nại Châu - ngôi đền được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia năm 1994, xây dựng trạm bơm phá vỡ cảnh quan, gây lãng phí tiền ngân sách. Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Hưng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Chu Phan, việc cải tạo di tích lịch sử văn hóa đền Nại Châu được xếp hạng Quốc gia là công việc lớn của xã, phải được bàn bạc rộng rãi công khai, minh bạch với đoàn thể, chính quyền và nhân dân. Thế nhưng, ngay cả Phó Chủ tịch xã phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội như ông Hưng cũng không hề hay biết việc cải tạo này.
Trạm bơm mới đầu tư xây dựng cũng bị lỗi thiết kế về chiều dài bể hút và chiều cao bể xả. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN |
Ngoài ra, theo quy định, khi cải tạo di tích xếp hạng Quốc gia phải xin ý kiến các cơ quan chuyên môn, đơn vị và cá nhân liên quan... nhưng thực tế, việc này đã không được thực hiện đầy đủ dẫn đến việc phá vỡ kết cấu địa hình khu vực khuôn viên di tích đền Nại Châu. Cụ thể: thay vào việc san lấp và mở rộng sân đền, thì xã lại đào bới để dẫn nước, đào ao rộng khoảng 2000 m2...
Đặc biệt, tại đền Nại Châu có một trạm bơm cũ, xã Chu Phan đã cho đập đi để xây dựng trạm bơm mới. Điều đáng nói là trạm bơm mới xâm phạm vào bờ kênh Thanh Điềm, một trong những bờ kênh quan trọng thuộc thẩm quyền quản lý huyện Mê Linh; vì vậy, sau khi xây dựng xong đã phải đập bỏ, gây lãng phí ngân sách. Tiếp đó, xã Chu Phan lại tiếp tục xây dựng một trạm bơm mới trên nền đất tram bơm cũ trước đây tại Nại Châu.
Ông Bùi Xuân Vị, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Chu Phan cũng cho rằng: Thời điểm xin cải tạo khuôn viên đền Nại Châu, ông đang là Bí thư Đảng ủy xã Chu Phan cũng không được lãnh đạo UBND xã bàn bạc. Điều này đã vi phạm nguyên tắc dân chủ trong Đảng. Hậu quả nhãn tiền là hiện nay, trạm bơm mới được đầu tư xây dựng hàng trăm triệu đồng cũng không phát huy được công năng tưới tiêu như người dân mong muốn. Trạm bơm vận hành kém hiệu quả, thậm chí phải sửa lại.
Liên quan đến sự việc trên, ngày 6/1/2016, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Phùng Minh Chiến đã ký ban hành văn bản số 38/UBND - QLĐT yêu cầu UBND xã Chu Phan chỉ đạo đơn vị tư vấn khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình điều chỉnh vị trí, quy mô của bể hút, trạm bơm, bể xả đảm bảo phù hợp với hiện trạng và quy hoạch... Tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và các đơn vị có liên quan về hồ sơ thiết kế trước khi trình UBND huyện thẩm định và phê duyệt.
Đáng chú ý, trong công văn ghi rõ: Việc tự ý xây dựng trạm bơm mới sai quy hoạch và vi phạm trật tự xây dựng, yêu cầu UBND xã Chu Phan kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan; tổ chức tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm và hoàn trả lại mặt bằng hiện trạng, kết quả thực hiện gửi về UBND huyện Mê Linh trước ngày 15/1/2016; UBND huyện yêu cầu UBND xã Chu Phan nghiêm túc thực hiện.
Tuy nhiên, cho đến nay, theo nhiều người dân xã Chu Phan, việc xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên để xảy ra những sai phạm nêu trên chỉ được tiến hành trên "giấy".
Đặc biệt hơn, trong một thời gian dài, ban lãnh đạo xã Chu Phan liên tiếp để xảy ra sai phạm đều bắt nguồn từ cán bộ, lãnh đạo xã nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền của Hà Nội xử lý nghiêm, triệt để.
Đã đến lúc các sở, ngành liên quan và UBND huyện Mê Linh cần khẩn trương
vào cuộc xử lý nghiêm những tồn tại, giúp xã Chu Phan đảm bảo trật tự
xã hội, ổn định đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội ở địa
phương