Giúp người khuyết tật có nhiều việc làm hơn

Tỷ lệ thất nghiệp cao cho thấy một thực tế người khuyết tật ở Việt Nam đang phải chịu nhiều rào cản và vẫn rất khó khăn trong quá trình đi tìm việc làm. Coi đây là một sự lãng phí nguồn nhân lực to lớn, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) kêu gọi, cần tiếp tục có những chính sách hiệu quả để giúp người khuyết tật có thể tham gia nhiều hơn nữa vào thị trường lao động.

 

30% người khuyết tật thất nghiệp


Chị Oanh - một người khuyết tật (quê ở Thường Tín, Hà Nội) tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Ra trường, sau quá trình bươn chải tìm việc không mệt mỏi, chị được một vài tổ chức phi chính phủ nhận vào làm dưới dạng ký hợp đồng ngắn hạn. Nhưng năm 2008, các dự án này kết thúc, chị thất nghiệp. Từ đó đến nay, trong suốt quá trình đi xin việc, chị luôn phải nhận những cái nhìn phân biệt đối xử của nhà tuyển dụng chỉ vì chị khó khăn trong việc đi lại, khiếm khuyết do căn bệnh bại não mà chị mắc phải từ bé.


 

Nguyện vọng của người khuyết tật là được xã hội tin tưởng và tạo cơ hội để thể hiện năng lực làm việc.  Ảnh do Hội người khuyết tật Hà Nội cung cấp

Chị tâm sự: “Mỗi lần định đến đâu nộp hồ sơ, mình luôn phải gọi điện trước xem họ có tuyển người khuyết tật (NKT) không. Họ nói là có. Nhưng khi mình đến, họ nhìn mình như người hành tinh khác, có nơi còn không cho mình vào”.


Không riêng chị Oanh, nhận định của ILO, việc làm vẫn dường như là một giấc mơ quá sức với cộng đồng NKT nói chung ở Việt Nam. Tại TP Hồ Chí Minh, nơi có khoảng 15.000 NKT trong độ tuổi lao động, theo báo cáo của Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM thì chỉ có khoảng 25% số họ tìm được việc làm và có công việc ổn định, tuy mức thu nhập bình quân chỉ 2,5- 3 triệu đồng/tháng. Theo ILO, Việt Nam mất khoảng 3% GDP mỗi năm do thị trường lao động hạn chế sự tiếp nhận NKT vào làm.


“NKT luôn cố gắng thể hiện khát vọng làm việc và năng lực làm việc để đóng góp một cách hiệu quả cho thị trường lao động. Nhưng rất nhiều người trong số họ không thể thực hiện được điều này. Họ rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Rất ít NKT có việc làm và thu nhập ổn định”, bà Barbara Muray, một chuyên gia của ILO cho biết.


Một thống kê của ILO cho thấy, ở Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm NKT hiện là 30%, cao hơn rất nhiều so với các nhóm lao động khác. Vì thế, theo bà Muray, “rất cần phải dỡ bỏ mọi rào cản đối với NKT. Điều đó không chỉ giúp ích những cá nhân đó và gia đình họ mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội”.

 

Hỗ trợ nhiều hơn


Một trong những nguyên nhân khiến NKT khó tìm việc là do những hạn chế về tiếp cận giáo dục và đào tạo. Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc, tỷ lệ biết chữ của NKT Việt Nam chỉ đạt 73% (ở đô thị) và 63% (nông thôn), trong khi tỷ lệ dân số biết chữ của toàn quốc là 95%. Anh Nguyễn Tuấn Linh, một người khiếm thính quê ở Hải Phòng, 37 tuổi đang là giáo viên dạy học cho những học sinh khiếm thính. Anh Linh nhớ lại: “Quá trình học tập của chúng tôi thực sự vất vả, bởi những người bình thường cố gắng một thì chúng tôi phải cố gấp 3 đến 5 lần họ”. Anh tốt nghiệp cấp ba năm 26 tuổi và mới nhận bằng cao đẳng tháng 8/2012.


Vì thế, để hỗ trợ nhiều hơn cho NKT trong quá trình tìm việc, theo bà Vũ Thùy Linh, đại diện Hội Người điếc Hà Nội, cần phát triển chương trình riêng và học liệu cho trẻ em khuyết tật để các em được tiếp cận giáo dục và phát triển kịp với các em nhỏ không khuyết tật. Còn theo đại diện ILO, bà Muray, để NKT có thêm nhiều việc làm, cần đồng thời thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó, bước quan trọng đầu tiên là phải đưa ra pháp luật và các chính sách ủng hộ các cơ hội việc làm cho NKT và các chính sách đó phải được thực hiện có hiệu quả.


Ở Việt Nam, hiện nay đã có Luật Người khuyết tật và Luật này đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên theo phản ánh của đa số NKT, chủ trương giúp đỡ tạo điều kiện để NKT hòa nhập với cộng đồng vẫn chưa được các địa phương ở cấp xã, cấp huyện hiểu và thực hiện đầy đủ. Chị Oanh chia sẻ: “Người ta chỉ nhìn NKT từ bên ngoài mà không tìm hiểu khả năng làm việc thực sự của họ”. Bởi thế, điều quan trọng nhất với NKT- nguyện vọng của những người như chị Oanh, chính là được cả xã hội tin tưởng và tạo cơ hội.


Một lý do khác ảnh hưởng đến khả năng có việc làm của NKT là do điều kiện làm việc của doanh nghiệp chưa phù hợp với sức khỏe của họ. Theo Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp đặt trụ sở tại các cao ốc hoặc vùng ngoại thành, khiến NKT đi lại gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp này cũng phản ánh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng còn nhiều hạn chế.


Theo Đề án trợ giúp người khuyết tật 2011- 2020, đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015 sẽ có 250.000 NKT trong độ tuổi lao động và còn khả năng lao động sẽ được học nghề và tạo việc làm phù hợp. Xã hội cần quan tâm hơn đến việc hỗ trợ nâng cấp các trang thiết bị dạy nghề cho NKT, có những chương trình tiếp cận với NKT ngay tại địa phương để họ dễ dàng tiếp cận với các cơ hội việc làm.


Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, chúng ta đã và đang nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Trong năm 2012- 2013, ILO và Tổ chức Irish Aid đang triển khai dự án nhằm tăng cường khả năng việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam.


Hương Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN