Các giải pháp phòng ngừa khi nồm ẩm

Sau Tết - cuối Xuân, đặc trưng của thời tiết miền Bắc thường là mưa phùn, nồm ẩm, khiến độ ẩm không khí tăng cao.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tính chất nồm ẩm của thời tiết chính là điều kiện thuận lợi để bùng phát nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho sức khỏe. Độ ẩm không khí tăng cao làm tích tụ hơi nước trên các bề mặt, đồ dùng. Đây chính môi trường để các loại nấm mốc, virus, vi khuẩn phát triển. Bào tử nấm có thể phát triển và gây nên viêm kết mạc mùa xuân. Mặt khác, các loại nấm mốc lơ lửng trong không khí sẽ bám vào đồ dùng hàng ngày từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, bộc phát hen suyễn.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng nồm ẩm là một đặc trưng thời tiết phổ biến ở miền Bắc Việt Nam, thường xuất hiện vào mùa Xuân (từ cuối tháng 2 đến tháng 4 hàng năm). Thời điểm này, các khối không khí lạnh không di chuyển theo hướng Bắc Nam, mà di chuyển lệch về phía Đông, gây ra gió Đông Bắc đến Đông ở Bắc Bộ, khiến độ ẩm trong không khí ở phía Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội tăng cao, nhiều thời điểm đạt ngưỡng bão hòa, gây ra tình trạng nồm ẩm.

Theo nhận định từ các chuyên gia khí tượng thủy văn, hiện tượng nồm ẩm năm 2025 sẽ không mạnh như năm 2024, nồm ẩm năm nay dự kiến sẽ diễn ra với các đợt kéo dài từ 3-5 ngày, thậm chí có thể kéo dài cả tuần. Hiện tượng này chỉ chấm dứt hoặc thay đổi khi có gió mùa Đông Bắc tràn về. Nồm ẩm gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, như sàn nhà ẩm ướt, tường và trần nhà đọng nước. Quần áo giặt phơi khó khô và dễ bị mốc. Độ ẩm cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản và hen suyễn. Ngoài ra, môi trường ẩm ướt còn khiến các bệnh ngoài da như nấm da, viêm da dị ứng và mụn nhọt dễ phát sinh, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi có sức đề kháng yếu. Những người mắc bệnh xương khớp cũng có thể cảm thấy đau nhức hơn do độ ẩm cao ảnh hưởng đến khớp xương.

Để giảm thiểu tác động của nồm ẩm, người dân nên đóng kín cửa nhà để hạn chế không khí ẩm từ bên ngoài xâm nhập vào, chỉ nên mở cửa khi thời tiết khô ráo để thông thoáng không khí. Sử dụng điều hòa ở chế độ khô (Dry) giúp hút ẩm trong không khí, giữ cho không gian trong nhà khô ráo và thoáng mát. Nếu có điều kiện, sử dụng máy hút ẩm sẽ giúp kiểm soát độ ẩm trong nhà, loại bỏ hơi ẩm dư thừa, ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc và bảo vệ sức khỏe gia đình. Khi lau dọn nhà cửa, nên dùng giẻ khô và thấm hút tốt thay vì dùng nước để lau vì sẽ làm tăng độ ẩm. Có thể đặt các vật liệu hút ẩm như than củi, vôi sống hoặc giấy báo ở các góc nhà, gầm giường, tủ để hút ẩm. Một số loại cây như dương xỉ cũng có khả năng hút ẩm tốt, giúp giảm độ ẩm trong không khí và cải thiện chất lượng không gian sống.

Ngoài ra, có thể lắp đặt trần và tường bằng tấm thạch cao siêu chịu ẩm để giảm thiểu hiện tượng ngưng tụ hơi nước trên bề mặt, giữ cho không gian sống khô ráo và sạch sẽ. Đối với thiết bị điện tử, nên để ở chế độ chờ hoặc sử dụng túi hút ẩm để bảo vệ khỏi hư hỏng do độ ẩm cao. Việc sử dụng tinh dầu có tác dụng sát khuẩn và tạo mùi thơm dễ chịu, giúp giảm bớt mùi hôi và ẩm mốc trong nhà. Một cách đơn giản khác là đốt nến để tạo nhiệt, giảm độ ẩm trong không khí và tạo mùi thơm dễ chịu.

Trong thời gian nồm ẩm, người dân cần chú ý lau chùi thường xuyên các bề mặt dễ đọng nước để không tạo môi trường cho vi nấm, vi khuẩn,... sinh sống; thường xuyên thay chăn ga, rèm cửa, loại bỏ thảm trải sàn và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; tập luyện tập thể dục đều đặn mỗi ngày để nâng cao sức kháng; luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là ở những nơi đông người; bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng vào thực đơn hàng ngày; ăn đồ chín, tuyệt đối không ăn đồ ôi thiu hay bị mốc để tránh nguy cơ bị mắc bệnh đường tiêu hóa; khi chế biến đồ ăn cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nếu có bệnh mạn tính cần duy trì đơn thuốc và thực hiện tốt các khuyến cáo chăm sóc sức khỏe từ bác sĩ; luôn giữ ấm cơ thể và hạn chế để người bị ướt khi trời mưa.

Đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi, cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, tắm nước ấm và lau khô người ngay sau khi tắm để tránh bị nhiễm lạnh; nếu có dấu hiệu viêm mũi, viêm họng kéo dài, cần đi khám để điều trị kịp thời, tránh để bệnh trở nặng.

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Tình trạng mưa rét và nồm ẩm ở miền Bắc sẽ kéo dài đến ngày 10/2
Tình trạng mưa rét và nồm ẩm ở miền Bắc sẽ kéo dài đến ngày 10/2

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở miền Bắc sẽ kéo dài từ ngày 7/2 – 10/2, trong đó có thời điểm rét nhất sẽ từ đêm 7/2 – 8/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN