Đông đảo người dân đến Đền thờ Ngũ hành Thánh Mẫu Sơn Tiên tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai dự lễ Kỳ Yên trong ngày 15/2.
Ngày 15/2, tại Đền thờ Ngũ hành Thánh Mẫu Sơn Tiên, tỉnh Đồng Nai có đông đảo người dân, du khách ở các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đến tham gia lễ Kỳ Yên Ngũ Hành Thánh Mẫu Nương Nương đề cầu bình an trong năm 2025.
Ông Đinh Văn Vui, Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Tiên - Suối Tiên đánh trống khai hội Kỳ Yên.
Tín ngưỡng của người dân Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng thường có phong tục thờ thần, trong đó hầu hết các vùng đất đều có một vị thần thành hoàng – người có công trong việc khai khẩn và gìn giữ vùng đất đó. Vì vậy, vào những ngày đầu năm, tùy theo phong tục cụ thể, nhân dân trong vùng sẽ tổ chức lễ cúng (cúng đình, đền, miếu), còn gọi là lễ hội Kỳ Yên.
Bên trong Đền thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu Sơn Tiên trong lễ Kỳ Yên.
Đại diện ban tổ chức lễ Kỳ Yên Ngũ Hành Thánh Mẫu Nương Nương cho biết, Ngũ Hành Thánh Mẫu Nương Nương gồm 5 vị thần: Cửu Thiên Huyền Nữ (Bà Thủy), Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Mộc), Lê Sơn Thánh Mẫu (Bà Kim), Thánh Anh La Sát (Bà Thổ) và Chúa Tiên Chúa Ngọc (Bà Hỏa). Đây là những bậc thánh linh hộ trì nhân gian, giữ gìn mưa thuận gió hòa, bảo vệ các sinh linh và ban phúc lành cho mọi người dân muôn phương.
Vì vậy, hàng năm vào ngày 18 tháng Giêng, tại Đền thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu Sơn Tiên, lễ Kỳ Yên được tổ chức long trọng để bày tỏ tấm lòng của người dân đối với 5 vị thần và cầu mong các vị ban phúc cho quốc thái dân an, bá tánh phúc lạc.
Khoảng 10 giờ ngày 15/2, các nghi thức chính tại lễ Kỳ Yên Ngũ Hành Thánh mẫu Nương Nương bắt đầu diễn ra với các nghi thức trang trọng.
Là người thực hiện các nghi thức chính tại lễ Kỳ Yên Ngũ Hành Thánh Mẫu Nương Nương, ông Thái Công Nô, Hội trưởng Ban quý tế Lăng Miếu núi Sam (An Giang) cho biết, lễ Kỳ Yên là một nghi lễ phổ biến ở nhiều vùng Nam Bộ. Lễ hội này thường kéo dài từ 2 đến 3 ngày, chia thành hai phần chính: Lễ và hội. Mặc dù các địa phương có thể tổ chức lễ với thời gian, thứ tự và chi tiết khác nhau, nhưng thông thường các lễ Kỳ Yên đều được tiến hành một cách trang trọng tại đình, đền, miếu trên địa bàn để thể hiện lòng tôn kính và cầu nguyện cho mọi điều tốt đẹp.
Các vị có uy tín, có chức sắc thực hiện nghi thức dâng tế lễ trong Đền thờ Thánh Mẫu Nương Nương, tỉnh Đồng Nai.
Trong phần lễ, các nghi thức bao gồm rước sắc thần về đền, đình, miếu cùng với các hoạt động như dâng hương, rượu, trà. Ngoài ra, còn có phần đọc bài văn tế cầu nguyện và cảm tạ các thần linh như Thành Hoàng, Tiên hiền, Hậu hiền, thần Nông, thần Hổ, ông Nam Hải, bà Ngũ Hành… những vị thần đã phù hộ cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Phần lễ trong lễ Kỳ Yên rất quan trọng và được tổ chức trang nghiêm. Những người thực hiện hoặc tham gia nghi thức tế lễ thường là các bậc cao niên, người có chức sắc hoặc những người có uy tín trong cộng đồng, đảm nhận vai trò quan trọng trong việc duy trì và bảo tồn truyền thống này.
Nghi thức dâng hương, rượu, trà được thực hiện trang nghiêm trong lễ Kỳ Yên.
Tuy nhiên, điều làm nên nét đặc sắc của các lễ hội Kỳ Yên chính là phần hội. Phần hội thường bao gồm các chương trình văn hóa, văn nghệ, múa lân, múa rồng và nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn. Những hoạt động này không chỉ mang đến không khí vui tươi, sôi động mà còn tạo cơ hội cho người dân và du khách cùng tham gia và trải nghiệm, góp phần làm cho lễ hội thêm phần phong phú và ấn tượng.