Phát biểu tại sự kiện, đại diện BTC cho biết: Cách đây 10 năm, năm 2008, Tổ chức Đối tác rửa tay toàn cầu đã đề xuất và phát động Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng lần đầu tiên, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rửa tay với xà phòng - cách phòng bệnh đơn giản, hiệu quả và nằm trong khả năng của tất cả mọi người.
Trong 10 năm qua, mỗi năm có trên 200 triệu người ở hơn 100 quốc gia trên thế giới tham gia hưởng ứng ngày Thế giới rửa tay với xà phòng.
“Rửa tay với xà phòng là một việc làm đơn giản, ai cũng có thể làm được nhưng lại có ý nghĩa lớn, thiết thực để phòng chống dịch bệnh. Đối với các em học sinh, thế hệ tương lai của đất nước, thì việc giữ sạch đôi tay phòng chống bệnh tật là điều thiết thực và sức khỏe tốt bắt đầu từ đôi bàn tay sạch”, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) khẳng định tại chương trình.
Thông tin từ Tổ chức đối tác rửa tay toàn cầu, điều kiện vệ sinh kém làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ, hạn chế sự phát triển thể chất, hệ miễn dịch; 33-66% trường hợp suy dinh dưỡng trên toàn cầu bắt nguồn từ việc thiếu điều kiện vệ sinh và nước sạch.
Còn theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc (UNICEF), 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch. Tiêu chảy và viêm phổi là hai bệnh chính mà các mầm bệnh lây truyền qua bàn tay và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 3,5 triệu trẻ em trên thế giới hàng năm. Ngoài ra vệ sinh kém cũng góp phần làm gia tăng các bệnh như tay chân miệng, bệnh ngoài da, bệnh giun sán… Vệ sinh kém, tiêu chảy và bệnh giun sán sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và khả năng học tập của trẻ em. Tuy nhiên, các trường hợp mắc và tử vong do các bệnh nói trên có thể ngăn ngừa được thông qua việc rửa tay với xà phòng. Tại Việt Nam, theo niên giám thống kê y tế, bệnh tiêu chảy cũng là bệnh có tỷ lệ mắc cao thứ hai ở nước ta. Tuy nhiên, việc rửa tay với xà phòng vẫn chưa thành thói quen thường xuyên của nhiều người dân.
Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo 2017 - 2022, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Unilever Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác chiến lược dài hạn để “Cải thiện vệ sinh và sức khỏe của người dân Việt Nam”, hỗ trợ các hoạt động truyền thông rửa tay với xà phòng tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc - Tây Nguyên - Nam Trung Bộ thuộc “Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, vay vốn Ngân hàng Thế giới, hỗ trợ các hoạt động truyền thông triển khai kế hoạch cơ sở y tế “Xanh - Sạch - Đẹp” và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình “Phát triển trường học Xanh - Sạch - Khỏe”.