Theo Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), năm 2015, toàn quốc đã xảy ra 7.620 vụ tai nạn lao động, tăng 13,6% so với năm trước; làm 7.785 bị nạn tăng 12,2%; số người chết là 666. Xây dựng là xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, chiếm tới 35,2% số vụ tai nạn chết người và chiếm gần 38% tổng số người chết. Trong các yếu tố gây chết người, ngã từ trên cao chiếm hơn 28%, điện giật chiếm gần 19%.
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, do nhiều đơn vị không báo cáo, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên số liệu thống kê các vụ tai nạn lao động, số người chết chưa phải là con số cuối cùng. Nếu thống kê chi tiết từ các đơn vị xã phường thì số vụ tai nạn lao động và số người chết sẽ tăng gấp vài lần con số công bố trên. Do đó, theo Luật An toàn vệ sinh lao động sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016, các đơn vị doanh nghiệp không báo cáo chi tiết thống kê số vụ tai nạn lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Từ số liệu thống kê chính xác sẽ xác định rõ nguyên nhân và từ đó mới có giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân khiến các vụ tai nạn lao động gia tăng là chế tài yếu. Trong số 629 vụ tai nạn lao động chết người, nhưng Bộ LĐTBXH mới chỉ nhận được 238 biên bản điều tra. Trong cả năm 2015, trong hàng loạt vụ lao động chết nhiều người đang trong quá trình điều tra thì mới có 5 vụ được chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát đề nghị khởi tố, trong đó chỉ có 1 vụ đã xét xử là vụ sập giàn giáo xảy ra tối ngày 25/3 làm 13 người chết, 29 người bị thương tại dự án Formusa tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Vụ tai nạn nghiệm trọng này đã được Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử và tuyên 4 bị can về tội “Vi phạm về quy định an toàn lao động” theo Bộ Luật Hình sự với tổng hình phạt là 144 tháng tù.
“Do chế tài xử phạt còn chưa nghiêm dẫn đến các chủ doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng công tác bảo đảm an toàn lao động trong quá trình sản xuất”, ông Hà Tất Thắng cho biết.