Tai nạn lao động gia tăng nhanh tại các công trình xây dựng trong hơn 1 năm nay khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu công tác đảm bảo an toàn lao động đã thực sự được quan tâm?
70% công trình nội thành vi phạm
Thống kê của Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy chỉ trong 5 tháng đầu năm nay đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn lao động nghiêm trọng thuộc lĩnh vực xây dựng làm gần 20 người chết và nhiều người bị thương. Có những vụ tai nạn ảnh hưởng tới cả người dân đang di chuyển gần công trường. Thương tâm nhất là vụ cần cẩu bị đứt cáp đã khiến 3 mẹ con đi đường tử vong tại chỗ ngày 5/5, tại tỉnh Đồng Tháp. Và mới đây là vụ tai nạn tại công trình thi công đường sắt trên cao tuyến Nhổn- ga Hà Nội (Hà Nội) chiều ngày 12/5, làm bị thương 2 người đi đường, trong đó có một phụ nữ mang thai. “Tình trạng này khiến dư luận bức xúc về việc đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng từ khâu giám sát thiết bị, quy trình an toàn lao động đến việc tuyển dụng lao động”, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, cho biết.
Vụ gãy cần cẩu tại công trường thi công đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội làm 2 người đi đường bị thương. Ảnh: TTXVN |
Anh Nguyễn Văn Bổn, một kỹ sư công trình chia sẻ, để cắt giảm chi phí, nhiều nhà thầu phụ đã cắt giảm tối đa chi phí dành cho công tác đảm bảo an toàn lao động, nhiều thiết bị công trình được tận dụng dù đã hết khấu hao. Do đó, rất dễ bắt gặp hình ảnh công nhân thiếu trang bị bảo hộ lao động, cẩu tháp hoen gỉ…
Bà Lã Thị Hồng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho rằng: “Thiết bị đảm bảo an toàn lao động còn hình thức, đặc biệt nhà thầu phụ. Việc xử lý vi phạm còn nhẹ và chưa cương quyết. Trong dự toán, nhiều nhà thầu bỏ qua dự toán về công tác đảm bảo an toàn lao động để bỏ thầu thấp”.
Theo ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐTBXH Hà Nội), có đến 70% công trình xây dựng thi công trong nội thành vi phạm công tác đảm bảo an toàn lao động cho công nhân và người tham gia giao thông. Do đó Bộ Xây dựng và Bộ GTVT cần đánh giá lại biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công. Qua kiểm tra vụ sập giàn giáo tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông và vụ sập cần cẩu tại tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội cho thấy việc kiểm tra, thử tải các thiết bị nâng đang được thực hiện qua loa. “Việc thử tải những thiết bị nâng này phải do các trung tâm kiểm định Nhà nước thực hiện, tuyệt đối không để tư nhân kiểm định như thời gian qua bởi họ không đủ trình độ và thiết bị thử tải”, ông Bạch Quốc Việt kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh) khẳng định: “Các vụ tai nạn lao động liên quan đến xây dựng chiếm tới 60%. Hiện TP Hồ Chí Minh có 400 công trình xây dựng và sử dụng gần 600 cần cẩu các loại. Đây là những ẩn họa về an toàn lao động cho cả người thi công lẫn người đi đường. Công nhân vận hành thiết bị cỡ lớn nhưng người điều khiển mới tốt nghiệp THPT, mới qua lớp học nghề 3 tháng và học 4 ngày tập huấn an toàn lao động đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Đó là chưa kể trình độ giảng viên các lớp an toàn lao động ngày càng đi xuống. Thậm chí, có giảng viên tốt nghiệp Đại học Luật không có kiến thức chuyên ngành kỹ thuật cũng đi giảng về an toàn lao động.
Ông Lê Đắc Đính, Cục Giám định, Bộ Xây dựng cho rằng: “Nhiều công trình hiện nay đang sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo, họ chỉ tranh thủ làm thêm lúc nông nhàn nên còn thiếu kiến thức về kỹ thuật và an toàn lao động. Trong khi đó, công tác giám sát, thanh kiểm tra lại buông lỏng nên tai nạn lao động dễ xảy ra”.
Tăng giám sát, chế tài xử phạt
Các tỉnh, thành xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động đều cho rằng, để giảm tai nạn lao động, thì cần tăng cường công tác thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm các vi phạm. Ông Nguyễn Quốc Việt khẳng định: “Qua thanh tra các vụ tai nạn lao động gần đây cho thấy công tác giám sát thi công và kiểm tra định kỳ của cơ quan chủ quản có vấn đề: Có tình trạng, đơn vị giám sát cẩu tháp không thử tại hiện trường mà chỉ dùng ống nhòm quan sát qua loa rồi ký nhận thiết bị đảm bảo an toàn. Do đó, Thanh tra Bộ LĐTBXH cần chủ trì đợt thanh tra liên ngành để xử lý nghiêm các vi phạm và chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn lao động hiện nay”.
Ông Lê Đắc Đính cũng đồng tình rằng, việc kiểm tra, giám sát cần thực hiện nghiêm túc tại công trường. Các vụ tai nạn vừa qua mới chỉ quy lỗi cho người lao động, trong khi trách nhiệm thuộc về nhà thầu, giám sát, thiết kế thì chưa xử lý được.
Đặc biệt, ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng, để răn đe cần xử lý hình sự các vụ việc nghiêm trọng để xảy ra tai nạn lao động chết người. Việc chỉ xử lý hành chính như hiện nay sẽ khiến chủ lao động phớt lờ các quy định hiện hành.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, để hạn chế các vụ tai nạn lao động liên quan đến các công trình xây dựng, các bộ, ngành chủ quản cần đánh giá lại năng lực nhà thầu, giám sát thi công… và việc đào tạo lao động tham gia vận hành thiết bị, huấn luyện, kiểm định an toàn lao động. Bộ LĐTBXH sẽ phân tích kỹ các nguyên nhân dẫn tới tai nạn lao động, sự cố trong xây dựng và từ đó bổ sung vào dự thảo Luật An toàn lao động trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, trong đó chú trọng công tác phòng ngừa; quy định chặt chẽ công tác đào tạo, huấn luyện và thanh tra công tác đảm bảo an toàn lao động. |
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, trong năm 2014 đã xảy ra hơn 6.700 vụ tai nạn lao động và hơn 6.900 người bị nạn. Số vụ tai nạn lao động chết người là 592 vụ làm 630 người chết. Trong đó, số vụ tai nạn của lĩnh vực xây dựng chiếm tới hơn 30%. Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH chỉ nhận được 202 bản điều tra nguyên nhân gây ra tai nạn chết người do các tỉnh báo cáo. Trong số các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng năm 2014, chỉ có 3 vụ được chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong những tháng đầu năm 2015, dù có nhiều vụ tai nạn lao động nhưng chỉ có vụ tai nạn lao động sập giàn giáo tại công trường Formosa (Hà Tĩnh), Cơ quan điều tra Công an Hà Tĩnh khởi tố, bắt tạm giam 2 quản lý công trình là người Hàn Quốc. Hiện tần suất thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động, an toàn thi công của các cơ quan quản lý còn thấp do lực lượng mỏng. Trong khi mức xử phạt thấp, các hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ, cấm thi công ở các công trình không đủ sức răn đe. Từ các thống kê vụ tai nạn cho thấy, nguyên nhân có tới 75% các vụ tai nạn do người sử dụng lao động. Do đó, nhiều chuyên gia kiến nghị cần tăng cường chế tài xử phạt, nhất là xử lý hình sự đối với các vụ tai nạn nghiêm trọng, xảy ra chết người.
Xuân Cường