Ngày 1/12, tại Trường Trung học Cơ sở Thanh Xuân (Hà Nội), Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Hiện nay, bạo lực thân thể trẻ em vẫn đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Trung bình mỗi năm, cả nước có trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Theo kết quả khảo sát của Tổ chức tầm nhìn thế giới (World Vision) tại hai tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang cho thấy: Có 44% trẻ em bị bạo lực, trong đó 23% bị đánh, tát, đòn roi. Hậu quả của việc trẻ bị bạo hành về thể chất không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến trẻ bị tổn thương tinh thần, trí tuệ, sự phát triển toàn diện,tương lai của trẻ em, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường, trong đó, chủ yếu là do bố mẹ, thầy cô giáo và bản thân trẻ em chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của các em. Bên cạnh đó, sự hiểu biết pháp luật liên quan đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được bảo vệ, đảm bảo an toàn của trẻ còn sơ sài, chưa quan tâm đúng mức.
Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam đã khởi động sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” trong 5 năm tại Việt Nam với mục tiêu ngăn chặn, hướng đến chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà trường lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức nhà giáo. Toàn ngành triển khai thực hiện Nghị định quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; tiếp tục triển khai các hoạt động của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; triển khai tư vấn học đường; thực hiện chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường.
Đối với các thầy, cô giáo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị cần thường xuyên trau dồi nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt là kiến thức nghiệp vụ sư phạm; nâng cao đạo đức nhà giáo, hiểu biết và có ý thức thực hiện pháp luật, luôn phấn đấu trở thành tấm gương sáng để học sinh noi theo. Các thầy cô sử dụng phương pháp dạy học tiên tiến, phù hợp và tích cực; thay đổi tư duy, không áp đặt, tiếp cận bằng mối quan hệ tích cực. Các thầy cô giáo cần luôn yêu thương, cởi mở, chia sẻ với học sinh, tuyệt đối không sử dụng các hành vi mang tính bạo lực, miệt thị, xúc phạm và hận thù đối với học sinh trong các hoạt động giáo dục.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các bậc phụ huynh luôn mẫu mực để con trẻ noi theo, giáo dục gia đình rất quan trọng bởi đây là cái nôi nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của trẻ, dành nhiều thời gian hơn nữa quan tâm đến con em mình. Các bậc phụ huynh dành thời gian tìm hiểu các phương pháp giáo dục tiên tiến, thay đổi tư duy “yêu cho roi cho vọt”, “đòn đau nhớ đời”, nói không với hành vi bạo lực trong dạy dỗ con trẻ. Bố mẹ hãy trở thành người thầy, cô giáo của con trong gia đình, đồng hành với nhà trường, thầy cô để giáo dục, rèn luyện con em của mình.