Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết: “Một trong những chủ đề hiện nay các đối tác quốc tế quan tâm, cũng là trọng tâm của GDNN trong thời gian tới là thúc đẩy sự gắn kết hơn nữa giữa doanh nghiệp, các bên liên quan với giáo dục nghề nghiệp thông qua mô hình hội đồng kỹ năng ngành, hoặc các mô hình tương tự”.
Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, trong 8 nhóm giải pháp phát triển GDNN trong giai đoạn tới, giải pháp đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp là một trong những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng được tập trung ưu tiên triển khai sớm.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã triển khai việc thúc đẩy hoạt động gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động, đồng thời, tăng cường công tác dự báo nhu cầu lao động. Tuy nhiên, các hoạt động liên kết, phối hợp còn hạn chế. Sự tham gia của các bên liên quan trong giáo dục nghề nghiệp còn chưa thật sự hiệu quả. Do đó, việc sự báo nhu cầu kỹ năng, lao động nhằm định hướng cho công tác đào tạo thực sự là một thách thức.
Chính vì vậy, một trong những hoạt động quan trọng trong giải pháp gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động là “Thí điểm thành lập một số hội đồng kỹ năng nghề/nhóm nghề trọng điểm trong giai đoạn 2021 – 2025; trên cơ sở đánh giá, tổng kết sẽ mở rộng cho các nghề/nhóm nghề khác trong giai đoạn 2026 – 2030”.
Chia sẻ về mô hình Hội đồng kĩ năng, bà Afsana Rezaie, Phó Giám đốc Chương trình đổi mới giáo dục nghề nghiệp Việt Nam khẳng định, việc gắn kết doanh nghiệp được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm trong phát triển nghề nghiệp.
“Sự tham gia của các đối tác xã hội trong việc tư vấn và triển khai các chính sách về GDNN còn thấp. Sinh viên tốt nghiệp GDNN hiện chưa có đầy đủ kỹ năng nghề và kỹ năng mềm phù hợp với ngành. Sự phát triển, chuyển đổi số và chuyển đổi kinh tế bền vững đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, cần thiết phải thành lập Hội đồng kĩ năng”, bà Afsana Rezaie nhận định.
Theo bà Afsana Rezaie, thành viên Hội đồng kĩ năng gồm có người sử dụng lao động, hiệp hội ngành nghề, phòng thương mại; đại diện người lao động, công đoàn; các cơ quan bộ ngành chính phủ; các cơ sở GDNN và các cơ quan chuyên môn.
Hội đồng kỹ năng có chức năng tư vấn cho chiến lược và xây dựng chính sách GDNN; hỗ trợ thông tin thị trường lao động – dự báo kỹ năng; xây dựng và cập nhật trình độ và tiêu chuẩn nghề nghiệp; tạo điều kiện hợp tác giữa các cơ sở GDNN, học viên và nhà tuyển dụng (ví dụ tập nghề, đào tạo tại doanh nghiệp…); cùng tham gia tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ cho học viên và người lao động; tạo điều kiện việc làm cho sinh viên tốt nghiệp; hỗ trợ đảm bảo chất lượng của các nhà cung cấp đào tạo, các khoá học và người đánh giá
Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, bà Afsana Rezaie cho rẳng, Việt Nam cần thành lập Hội đồng Kỹ năng ở các cấp khác nhau với đại diện của chính quyền các cấp, từ cấp quốc gia đến tỉnh và địa phương. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, công đoàn và các cơ sở GDNN với tư cách là Cơ quan tư vấn.
Đại diện người chủ sử dụng lao động, bà Bùi Thị Ninh, Trưởng phòng Giới sử dụng lao động VCCI TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh thiếu hụt lao động có kỹ năng, hệ thống thông tin thị trường lao động còn nhiều hạn chế, tác động của tình hình kinh tế xã hội và công nghệ lên nhu cầu của thị trường lao động, hình thức đào tạo linh hoạt hơn, vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nghề ngành càng tăng.. nhưng chưa có mô hình gắn kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN một cách chính thống và bền vững.
Do đó, theo bà Bùi Thị Ninh cần thiết có một mô hình gắn kết doanh nghiệp trong GDNN một cách toàn diện và khả thi. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần xem xét các mô hình thí điểm thành công và thất bại để đưa ra mô hình gắn kết các bên liên quan phù hợp. Cùng với đó rà soát và ban hành các chính sách liên quan, tạo điều kiện cho sự hình thành và hoạt động hiệu quả của các mô hình gắn kết này.
Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chỏ rằng, Việt Nam sớm bổ sung, hoàn thiện chính sách và giải pháp ứng phó nhằm khắc phục các khó khăn mà hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đang gặp phải và sớm đóng góp trực tiếp vào dự thảo Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.
Một trong những mục tiêu của dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ là chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động đến năm 2030. Trong đó, trên 30% lao động đạt trình độ cao có bậc trình độ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4, bậc 5 hoặc trình độ tương ứng, trong đó ưu tiên người lao động làm việc trong các ngành, nghề thuộc công nghiệp mũi nhọn, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao; người lao động thuộc các ngành nghề kinh tế trọng điểm, ưu tiên, chương trình phát triển kinh tế xã hội bền vững. Khoảng 70% lao động đạt các bậc trình độ còn lại, trong đó ưu tiên lao động là thanh niên từ 15 đến 30 tuổi; lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, lao động yếu thế.