Các khách sạn trước nỗi lo thiếu nguồn nhân lực

Trong khi hoạt động du lich đang dần phục hồi trở lại sau dịch COVID-19 thì các khách sạn, cơ sở lưu trú trong cả nước vẫn đang lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động.

Chú thích ảnh
Sinh viên Trường cao đẳng du lịch Vũng Tàu thực tập tại khách sạn Hồ Tràm.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Du lịch đã có sự tăng trưởng ấn tượng với khách nội địa đạt trên 90 triệu lượt; thị trường khách quốc tế đang dần hồi phục. Chính vì sự tăng trưởng “nóng” trong thời gian ngắn đã khiến ngành khách sạn thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân viên buồng phòng có kỹ năng nghề. Những trung tâm du lịch lớn như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Lâm Đồng… đều rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân viên buồng phòng trong những ngày cuối tuần.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hiện nay, cả nước có 35.000 cơ sở lưu trú, với 780.000 phòng, nhu cầu nhân lực của ngành khách sạn là rất lớn. Theo quy định của ngành Du lịch, bình quân các khách sạn cần 0,96 lao động/phòng (mỗi hạng sao sẽ có những quy chuẩn riêng); căn hộ du lịch là 1 lao động/căn hộ; các nhà nghỉ, homestay cần 0,69 lao động/phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều khách sạn, căn hộ, nhà nghỉ du lịch trên cả nước chưa đạt tỷ lệ lao động như trên. Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực của ngành khách sạn cũng còn hạn chế, nhất là về ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tế.

Theo dự tính của các chuyên gia du lịch, trong năm 2023, khi đại dịch COVID-19 được khống chế, thị trường du lịch quốc tế sẽ sôi động hơn, đồng nghĩa với việc các khách sạn cần nhiều nhân lực hơn. Ông Võ Quang Hoàng, Giám đốc Khách sạn Ariyana, Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa cho rằng, để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần phải dành kinh phí để tái đầu tư nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực. Không thể lấy lý do dịch COVID-19 mà yêu cầu người lao động tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp phải có gói tài chính để xây dựng chính sách phúc lợi đủ tốt, tạo niềm tin để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài; tổ chức đào tạo lại, đào tạo mới những người mới tuyển dụng; tổ chức tập huấn để phù hợp với những thị trường khách mới…

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc điều hành khách sạn Super Candle Hà Nội cho biết: Trong 2 năm 2020-2021 khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, 50% nhân sự của doanh nghiệp xin nghỉ việc, chuyển việc bao gồm cả nhân sự buồng phòng, bếp và lễ tân. 

“Trong thời gian dịp cuối năm, chúng tôi đang cần khoảng 50 nhân sự và tìm kiếm các ứng viên từ các trường trung cấp, cao đẳng tại Hà Nội như Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Về cơ bản, các em học trường cao đẳng được đào tạo kỹ năng nghề bài bản, được thực hành thực tế đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho rằng: Ngành khách sạn địa phương đang cố gắng kiện toàn đội ngũ nhân sự các cấp; phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị cấp cao; tiêu chuẩn hóa nhân lực trong cơ sở lưu trú du lịch. Các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực khách sạn tăng cường liên kết doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nhân lực đầu ra. Các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú chủ động tái đào tạo để nâng cao chất lượng, nắm bắt sự chuyển hướng thị trường du lịch để có sự chuẩn bị nhân sự phù hợp. Đặc biệt, các khách sạn cần xây dựng môi trường làm việc tích cực, triển khai những hoạt động tôn vinh - khen thưởng nhân viên thường xuyên, xây dựng các hoạt động gắn kết trong bộ phận và những chương trình phát triển nhân viên cụ thể để giữ lửa nghề…

Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường cao đẳng du lịch Hà Nội cho biết: Dù dự báo nhân lực ngành khách sạn thiếu nhưng đến nay trường mới tuyển được hơn 60%. Một trong những nguyên nhân là đãi ngộ dành cho lực lượng này còn thấp, chưa tương xứng để hút lao động. “Trong thời gian tới, khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam được cải thiện cũng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao hơn. Điều này cũng đòi hỏi sự hợp tác giữa các khách sạn và nhà trường trong đào tạo. Đồng thời để thu hút học sinh cũng cần có sự phối hợp định hướng nghề nghiệp từ các trường phổ thông”, ông Trịnh Cao Khải chia sẻ.

Còn bà Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Vũng Tàu cho biết: Dù là thành phố du lịch thu hút rất du khách trong dịp hè vừa qua nên nhu cầu tuyển dụng nhân lực các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn lớn. Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với nhà trường nhận sinh viên vào thực tập từ năm thứ hai và nhận học sinh, sinh viên ngay khi tốt nghiệp nhưng thực tế công tác tuyển sinh năm nay vẫn khó khăn do học sinh, sinh viên vẫn chưa có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp. Kỳ tuyển sinh năm nay, trường đã nhập học đợt 1 được hơn 60% chỉ tiêu và sẽ tiếp tục tuyển sinh đến 30/11/2022. Nhà trường cũng đã liên kết với các trường phổ thông trung học triển khai các khóa trải nghiệm nghề để giới thiệu ngành nghề tuyển sinh.

Bài, ảnh: XM/Báo Tin tức
Việt Nam là một trong 12 điểm đến trăng mật ý nghĩa và chi phí hợp lý
Việt Nam là một trong 12 điểm đến trăng mật ý nghĩa và chi phí hợp lý

Theo Tổng cục Du lịch, mới đây, Tạp chí du lịch nổi tiếng hàng đầu Travel + Leisure đã đề xuất Việt Nam là một trong 12 điểm đến tuyệt vời và có chi phí phải chăng phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN