“Việc không tách biệt riêng rẽ giữa bảo tồn động vật hoang dã với việc khai thác chúng vì mục đích lợi nhuận là nguyên nhân dẫn tới tình trạng càng ngày càng nhiều loài động vật nguy cấp trong tự nhiên bị mất đi”. Đây là cảnh báo của Trung tâm giáo dục thiên nhiên trước tình trạng mâu thuẫn trong các chính sách về nhân nuôi động vật hoang dã tại nước ta.
Gia tăng săn bắt khi được phép gây nuôi
Một thực tế buồn được Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) chỉ ra: Loài cá sấu hoang dã đã hoàn toàn tuyệt chủng tại Việt Nam. Đáng buồn hơn, nguyên nhân của tình trạng tuyệt chủng này là sự phát triển của các trang trại gây nuôi cá sấu.
Logic của vấn đề là việc gây nuôi vì mục đích thương mại các loài động vật quý hiếm, cũng đồng thời kích thích nhu cầu tiêu thụ các loài đó, từ đó dẫn tới tình trạng gia tăng nạn săn bắt và buôn bán các loài này.
Trên thực tế, khi cấp giấy phép buôn bán các loài nguy cấp được pháp luật bảo vệ (tất nhiên là cho các cá thể được gây nuôi trong các trang trại), cơ quan chức năng đã không lường được khó khăn của các đơn vị thực thi pháp luật trong việc phân biệt đâu là sản phẩm “được phép” và đâu là sản phẩm bất hợp pháp. “Thủ giống thủ, xôi giống xôi” –khó lòng phân biệt một động vật quý hiếm là động vật gây nuôi hay là động vật hoang dã trong tự nhiên.
"Thêm vào đó, trên thực tế, việc yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý và kiểm soát có hiệu quả việc nuôi nhốt động vật hoang dã vào thời điểm này là vượt quá khả năng của họ, nhất là đối với những loài nguy cấp như hổ và gấu" - ENV nêu thực tế. Lực lượng chức năng quá mỏng, trong khi đơn vị nuôi nhốt quá nhiều, và thị trường tiêu thụ thì càng nhiều hơn. “Bằng chứng cho thấy: Ở một số ít trại nuôi hổ trong nước, mặc dù dưới sự quản lý của cơ quan chức năng, nhưng nhiều chủ trại vẫn lén lút bán hổ ra ngoài” - ENV cho biết.
Bảo tồn nên “tránh” gây nuôi
Trao đổi với PV Tin Tức, ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên cho biết: Tại Việt Nam hiện có khoảng 10.000 trung tâm gây nuôi động vật hoang dã, và chủ yếu do các địa phương cấp phép. Khá nhiều trung tâm như vậy có gắn thêm chức năng "bảo tồn".
Không bao giờ nên trà trộn hai loại cơ sở này với nhau. Chúng cần phải được tách bạch, ngay từ khâu cấp phép – một đại diện ENV khuyến cáo. Các trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học tập trung vào bảo tồn các cá thể mang nguồn gen của các loài nguy cấp quý hiếm, nhằm mục đích tạo ra nguồn “giống” trong điều kiện nuôi nhốt, sau đó thả về tự nhiên, đáp ứng mục tiêu bảo tồn lâu dài của loài. Trong khi đó, các trang trại gây nuôi vì mục tiêu thương mại thì tập trung vào lợi nhuận.
Trên thực tế, các trang trại gây nuôi cũng “nổi tiếng” về việc mua bán bất hợp pháp các cá thể được khai thác từ thiên nhiên. Thậm chí, có cá thể hổ đông lạnh đã được phát hiện ngay trong... tủ cấp đông của một trung tâm nuôi nhốt.
ENV đề xuất: Việc bảo vệ động vật hoang dã nên được giao cho cơ quan cấp Trung ương, không bị chi phối bởi các lợi ích về kinh tế. “Các cơ quan chức năng không nên thương mại hóa các loài nguy cấp, quý hiếm. Mọi hành vi liên quan tới kinh doanh thương mại những loài này cần được loại bỏ triệt để” – ENV nhấn mạnh.
“Việc gây nuôi vì mục đích thương mại một số loài động vật hoang dã, trên lý thuyết, không ảnh hưởng hoặc ít ảnh hưởng tới các quần thể của loài này trong tự nhiên. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta đặt tương lai của các loài động vật nguy cấp vào tay của những kẻ trục lợi. Những loài động vật được pháp luật bảo vệ thì cần được bảo vệ một cách nghiêm ngặt và những hoạt động thương mại đối với những loài này cần được nghiêm cấm” – Trung tâm giáo dục thiên nhiên khẳng định.
Thùy Hương