Là một trong 16 nước đứng đầu thế giới về đa dạng sinh học nhưng tại nước ta, các loài động vật ngày càng suy giảm nghiêm trọng, trong đó không ít loài động vật đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên - Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010 được Bộ TNMT công bố trong tháng 6/2011 nêu lên thực tế này.
Là quốc gia có sự đa dạng về địa hình, nhiều kiểu khí hậu, Việt Nam là nơi tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới.
Thịt lợn rừng, chồn hương bày bán công khai. Ảnh: Vũ Công Điền-TTXVN |
Tuy nhiên, nước ta lại được xếp vào nhóm 15 quốc gia hàng đầu thế giới về suy giảm số loài thú, nhóm 20 nước hàng đầu về suy giảm số loài chim, nhóm 30 nước hàng đầu về suy giảm số loài thực vật và lưỡng cư.
Đáng nói là số loài bị đe dọa ở mức độ toàn cầu không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về mức độ đe dọa – cảnh báo này đã được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa ra. Trong danh sách đỏ của IUCN năm 1996, có 25 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp, năm 2004 là 46 loài, và năm 2010 tăng lên tới 47 loài. Trong số những loài mới bị xếp hạng có bò rừng, soi đỏ, voọc vá chân nâu, và voọc vá chân đen.
Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2010, quần thể của hầu hết các loài bị đe dọa toàn cầu tại Việt Nam đều bị đánh giá là đang có chiều hướng suy giảm. Nhiều loài được đánh giá bị đe dọa không cao trên quy mô toàn cầu nhưng lại bị đe dọa ở mức rất cao ở Việt Nam. Ví dụ như hạc cổ trắng không có tên trong danh sách đỏ của IUCN (2004) nhưng lại là loài sắp nguy cấp ở Việt Nam do mất sinh cảnh và thức ăn bị ô nhiễm.
Các loài sinh vật hoang dã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2007 cũng tăng về mức độ đe dọa và số loài bị đe dọa. Tổng số loài bị đe dọa ở cả 3 cấp (rất nguy cấp, nguy cấp và sắp nguy cấp) được liệt kê là 418 loài động vật và 464 loài thực vật, tăng hơn so với Sách đỏ Việt Nam 1992 - 1996.
Trong Sách đỏ Việt Nam 1992 – 1996, mức độ bị đe dọa của các loài chỉ mới dừng lại ở hạng nguy cấp thì năm 2007 có tới chín loài được xem là đã tuyệt chủng và tuyệt chủng ngoài tự nhiên gồm tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá chép gốc, cá chình Nhật, cá lợ thân thấp, cá sấu hoa cà và hươu sao.
Đáng chú ý trong khi một số loài động vật đã được coi tuyệt chủng ngoài tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam thì vẫn còn tồn tại ở một số quốc gia lân cận. Điều này thể hiện rõ những biến động lớn về đa dạng sinh học của Việt Nam so với những vùng lãnh thổ khác trong thời gian qua.
Nguyên nhân của sự suy giảm đa dạng sinh học * Chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch * Khai thác quá mức và sử dụng không bền vững tài nguyên sinh vật * Du nhập các giống mới và các sinh vật ngoại lai * Ô nhiễm môi trường, cháy rừng và biến đổi khí hậu * Bất cập trong công tác quản lý đa dạng sinh học |
Thùy Hương