Yêu, nhưng vẫn... ăn thịt

Dù ý thức được rằng buôn bán động vật hoang dã là trái phép, và rất yêu mến các loài động vật, song rất nhiều người dân TP Hồ Chí Minh vẫn hồn nhiên "thưởng thức" thức ăn làm từ động vật hoang dã.

Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WAR) vừa tiến hành phỏng vấn 7.600 người dân và học sinh tại TP Hồ Chí Minh về sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD). Kết quả rất đáng mừng: 81% số người được hỏi cho rằng rất thích ngắm nhìn các loài ĐVHD, và nghĩ rằng chúng có vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Gần 80% cho rằng sẽ rất đáng tiếc nếu thế hệ sau không được thấy các loài động vật hoang dã vì đã tuyệt chủng.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát của WAR lại là con số đáng buồn: Hơn một nửa số người được phỏng vấn trả lời rằng đã từng sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD), trong đó gần một nửa sử dụng từ 3 lần trở lên trong một năm.

Những loài bị "sát sinh" nhiều nhất là: Rắn, lợn rừng, hươu nai, gà rừng, vịt trời, bìm bịp, nhím, gấu, cầy hương, rùa, trăn, kỳ đà. Đọc tên những loài vật này, đã thấy gắn liền với nhiều "món nhậu" bắt mồi. Điều này tương ứng với kết quả khảo sát: Người dân thường "sử dụng" (ăn thịt) ĐVHD tại các quán ăn, và tỷ lệ nam giới sử dụng thịt thú rừng (nhậu) nhiều hơn so với phụ nữ. Hình thức sử dụng sản phẩm ĐVHD phổ biến nhất của người dân là "ăn thịt", uống rượu. Tiếp đến, việc sử dụng ĐVHD còn phổ biến trong làm thuốc, làm cảnh và làm đồ trang trí, thời trang.

Khi được hỏi, phần lớn người dân trả lời: Ăn thịt ĐVHD là vì "được mời", để "thử cho biết", hoặc đơn giản là vì... thấy thịt ĐVHD ngon, và bổ dưỡng!

Hơn 70% số người đã "thưởng thức" sản phẩm ĐVHD cho biết năm 2010 họ đã ít sử dụng hơn trước, vì lý do... bão giá, vì khó mua hơn, và cả vì ít "được mời" hơn. Chỉ rất ít người cho biết: Họ nhận thức được rằng cần bảo vệ ĐVHD, và hành vi sử dụng ĐVHD là vi phạm pháp luật. 35% những người chưa sử dụng ĐVHD thì cho biết, lý do là vì... quá đắt, và chưa có cơ hội.

Cho dù hơn 60% người được phỏng vấn cho biết họ sẵn sàng chọn sản phẩm khác thay thế ĐVHD, song kết luận chung của bản khảo sát do WAR công bố vẫn rất đáng buồn: Việc sử dụng sản phẩm ĐVHD của người dân TP.HCM có xu hướng gia tăng trong tương lai.

Buôn bán: Phạm pháp, sử dụng: Vô tư

Kết quả khảo sát của WAR cho thấy: Người dân cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với ĐVHD là săn bắn, buôn bán trái phép và phá rừng. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Quản lý Chương trình Giáo dục Bảo tồn, Tổ chức WAR khẳng định: "Chính người tiêu dùng đã tạo nhu cầu cho việc săn bắt, buôn bán sản phẩm ĐVHD trái phép, khiến các loài bị đe dọa tuyệt chủng".

Thực tế, sử dụng sản phẩm ĐVHD mới là mối đe dọa lớn nhất đối với động vật hoang dã.

Nhiều người ý thức được rằng việc nuôi nhốt, phóng sinh, ăn thịt, sử dụng sản phẩm ĐVHD quý hiếm được săn bắt trong thiên nhiên là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng biết: Việc nuôi nhốt, phóng sinh, ăn thịt, sử dụng sản phẩm ĐVHD quý hiếm được gây nuôi đời thứ 2 là hợp pháp.

Và cho dù rất nhiều người dân và học sinh đều biết có thể thông báo đến các cơ quan chức năng hoặc các tổ chức bảo tồn khi thấy ĐVHD bị buôn bán, tiêu thụ trái phép. Song, hầu như cả người dân và học sinh đều không biết và không nhớ số điện thoại nào để thông báo. Số điện thoại "nóng" mà nhiều người biết là số... 113!

"Hãy thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục cho các nhóm đối tượng nhằm ngăn chặn việc sử dụng sản phẩm động vật hoang dã" - Tổ chức WAR kêu gọi. Tổ chức này cũng khuyến nghị thực hiện các nghiên cứu, giới thiệu sản phẩm động vật hoang dã được gây nuôi hợp pháp nhằm khuyến khích người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm ĐVHD bền vững, hợp pháp. Đồng thời, các can thiệp liên quan đến thực thi pháp luật và nghiên cứu bảo tồn loài cũng cần được đẩy mạnh, góp phần bảo vệ các loài ĐVHD, đặc biệt là các loài quí hiếm.

Thùy Hương

Động vật hoang dã tại Việt Nam - Bảo tồn hay thương mại?

“Việc không tách biệt riêng rẽ giữa bảo tồn động vật hoang dã với việc khai thác chúng vì mục đích lợi nhuận là nguyên nhân dẫn tới tình trạng càng ngày càng nhiều loài động vật nguy cấp trong tự nhiên bị mất đi”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN