Chăm lo thiết thực
Chị Lê Mai Hương, công nhân kỹ thuật làm việc trong Khu công nghệ cao sau khi bị nhiễm COVID-19, sức khoẻ của chị bị suy giảm khá nhiều, nên công việc cũng ảnh hưởng không ít. Trước đây, chị Hương có thể làm việc 8 đến 9 giờ từ sáng đến chiều, kể cả làm tăng ca. Nhưng từ khi mắc COVID-19, cơ thể hay mệt mỏi, khó thở nên thi thoảng phải ngồi nghỉ lấy lại sức và cũng không thể làm tăng ca như trước. "Mặc dù tôi bị nhiễm COVID-19 từ tháng 8/2021, nhưng tôi vẫn thường xuyên hụt hơi, suy giảm trí nhớ, rồi những cơn ho kéo dài, rối loạn cảm nhận về mùi vị", chị Hương chia sẻ thêm.
Theo chị Hương, trong thời gian bị nhiễm COVID-19, chị đã được công đoàn Công ty hỗ trợ 5 triệu đồng. Gần đây, công đoàn công ty còn hỗ trợ khám, điều trị sau COVID-19 cho các nữ công nhân bị suy giảm sức khỏe. Điều này giúp chị Hương cũng như nhiều đoàn viên khác yên tâm làm việc vì được điều trị hậu COVID-19 miễn phí, sức khỏe của chị cũng dần hồi phục hơn và làm việc hiệu quả hơn.
Chị Lê Mai Hương xúc động cho biết: "Các cấp công đoàn của công ty và khu chế xuất rất quan tâm đến đời sống người lao động. Trong mùa dịch bệnh, chúng tôi được công đoàn chăm lo hỗ trợ rất nhiều thực phẩm như: gạo, rau củ quả, mì tôm, nước uống... Thậm chí là hỗ trợ tiền thuê nhà cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn".
Ông Nguyễn Hải Ngọc, Giám đốc Công ty may mặc Hoàng Gia cho biết, với quan niệm xem người lao động là vốn quý của doanh nghiệp, nên hơn 500 nhân viên làm việc tại hai nhà máy ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương luôn được Công ty hỗ trợ, giúp đỡ để vượt qua khó khăn. Ngoài việc hỗ trợ đột xuất cho những người có hoàn cảnh khó khăn, công ty còn sắp xếp, bố trí cho người lao động làm việc gần nơi ở để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Công ty cũng tăng quỹ phúc lợi như hỗ trợ tiền xăng xe, tiền nhà trọ để thêm thu nhập cho người lao động trong mùa dịch.
Tương tự, bà Đào Thị Bích Nhuần, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Dệt lưới đánh cá Nam Yang (TP Thủ Đức) cho biết, trước những tác động của đại dịch COVID-19, cuộc sống của mọi người gặp nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, ngay khi LĐLĐ TP Hồ Chí Minh và LĐLĐ thành phố Thủ Đức phát động thành lập các đội hình tình nguyện viên tham gia hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn thì các đội viên, nhân viên, cán bộ công đoàn đã tích cực tham gia hỗ trợ, chăm lo cho công nhân, người lao động và san sẻ với họ lúc khó khăn nhất. Khi TP Hồ Chí Minh trở lại giai đoạn bình thường mới, các cấp công đoàn lại hỗ trợ cho công nhân có điều kiện tiếp cận các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ tiền thuê nhà, khám chữa bệnh hậu COVID-19...
Nhiều chương trình mới
Chia sẻ về nét mới của Tháng công nhân năm 2022, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cho biết, "Tháng công nhân" lần thứ 14 năm 2022 đề ra mục tiêu rất rõ ràng, khẳng định vai trò nòng cốt, đi đầu của giai cấp công nhân trong một giai đoạn khó khăn, đầy thách thức. Theo đó, các hoạt động chính được tổ chức đa dạng ở tất cả các cấp Công đoàn, từ hoạt động tôn vinh, tuyên dương, hội thi, hội thảo, triển lãm, tiếp xúc, đối thoại, chăm lo, thăm hỏi, động viên công nhân, người lao động đến đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh.
"Điểm mới trong "Tháng Công nhân" năm nay là LĐLĐ TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp Viện Y học dân tộc thành phố khám, tầm soát cho 10.000 lao động. Đặc biệt, sẽ tổ chức khám, tầm soát sức khỏe, phân loại, tư vấn hỗ trợ điều trị phục hồi sau nhiễm COVID-19 cho 500 nữ công nhân tại quận Bình Tân, nơi có đông công nhân lao động nữ làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất.
Chương trình còn giảm chi phí thấp nhất cho người lao động như gói khám bệnh 378.000 đồng có khám chuyên sâu, thử máu, chụp X-quang… Đối với những người lao động bị ảnh hưởng nặng do COVID-19 sẽ được bố trí nghỉ dưỡng, tập luyện tại Nhà nghỉ Khách sạn Thanh Đa", ông Trần Đoàn Trung cho biết thêm.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cho biết, toàn thành phố có khoảng 110.000 đoàn viên bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Trong đó, không ít lao động nhiễm bệnh nặng nên hoạt động thăm khám sức khỏe hậu COVID-19 là hết sức cần thiết. Nhằm giúp người lao động nắm bắt và theo dõi tình hình sức khỏe của mình, bảo đảm hiệu quả làm việc, lao động sản xuất, giảm bớt gánh nặng chi tiêu, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh còn tổ chức nhiều chương trình chăm lo, nhất là đẩy mạnh các “Điểm phúc lợi đoàn viên” tại các nhà văn hóa lao động quận, huyện; các khu nhà trọ, doanh nghiệp trong "Tháng Công nhân".
Điển hình, đầu tháng 4 vừa qua, hơn 6.000 công nhân lao động đã được mua sắm hơn 200 mặt hàng thiết yếu tại “Điểm phúc lợi đoàn viên” đặt tại Nhà văn hóa lao động quận Bình Tân với giá các mặt hàng được giảm từ 10-45%. Gần 3.000 đoàn viên, người lao động ở quận Bình Thạnh được LĐLĐ quận hỗ trợ chăm lo như mua hàng thiết yếu giảm giá so với giá niêm yết.
LĐLĐ quận Bình Thạnh còn tổ chức trao 10 xe đạp điện (10 triệu đồng/xe) cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn không có phương tiện đi lại; 455 sổ tiết kiệm (2 triệu đồng/sổ) cho công nhân bị tai nạn lao động có tỷ lệ thương tật 31% trở lên và người lao động khó khăn; 500 phần quà (700.000 đồng/phần) cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; trao một “Mái ấm Công đoàn” trị giá hơn 50 triệu đồng…
Ông Nguyễn Thành Đô cho biết, từ nay đến hết năm 2022, đặc biệt trong "Tháng Công nhân", chương trình bán hàng thiết yếu sẽ được triển khai phục vụ lưu động tại các doanh nghiệp, nhà trọ, khu lưu trú có đông công nhân từ ngày 5 đến ngày 10 hàng tháng. Điều này sẽ bảo đảm cho người lao động được cung cấp các mặt hàng tiêu dùng có giá ưu đãi hơn so với thị trường, bên cạnh đó sẽ tạo thói quen cho người lao động mua thực phẩm chất lượng để cải thiện đời sống, sức khỏe bản thân.