Khu vực thành thị, các hoạt động từ giao thông vận tải là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Khu vực nông thôn, ô nhiễm bởi các khí thải mang tính cục bộ và được ghi nhận ở xung quanh một số làng nghề, khu vực cụm điểm công nghiệp, các điểm khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, một số điểm đang diễn ra hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, xung quanh các cơ sở sản xuất công nghiệp, các khí phát thải thường thuộc vào nhóm khí có độ độc cao, nhất là các cơ sở vẫn đang áp dụng các công nghệ sản xuất cũ.
Nguồn phát thải gia tăng
Cho đến nay, ô nhiễm không khí ở Việt Nam nói chung, các đô thị lớn nói riêng tập trung chủ yếu là ô nhiễm bụi và khí thải do hoạt động giao thông, xây dựng... Các nguồn gây ô nhiễm chính từ các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt ở các khu vực đô thị. Tổng số phương tiện cơ giới đường bộ đến hết năm 2018 là trên 3,7 triệu xe, hơn 55 nghìn xe mô tô. Số đô thị tăng nhanh, nhất là các đô thị trực thuộc tỉnh. Năm 2007, cả nước có 729 đô thị, đến năm 2018 tăng lên 819 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt và 817 đô thị loại 1 đến 5.
Khí thải từ các phương tiện này là một trong những nhân tố chủ yếu gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, bao gồm bụi, CO2, NO2, SO2, khói, chì, VOC… trong không khí. Số liệu quan trắc tại các nút giao thông vào giờ cao điểm cho thấy nồng độ các loại bụi PM10, PM2.5, PM1 tăng cao, do tập trung đông số lượng phương tiện giao thông.
Nhiều khu vực hoạt động xây dựng, phát triển đô thị chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các công trường xây dựng đã và đang gây ra ô nhiễm không khí, chủ yếu là ô nhiễm bụi trong quá trình thi công xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu, đất cát. Đại đa số các phương tiện giao thông vẫn sử dụng nhiên liệu chính là xăng, dầu diesel. Phương tiện giao thông cá nhân sử dụng nhiên liệu sạch còn rất ít. Hoạt động giao thông vận tải là một trong những hoạt động tiêu thụ nhiên liệu lớn chiếm tới 55% tổng lượng xăng dầu trong cả nước. Tốc độ tăng trưởng các phương tiện giao thông có sự gia tăng nhanh chóng, dẫn đến nhiên liệu sử dụng cũng gia tăng tỷ lệ thuận theo nó. Cùng với quá trình tiêu thụ nhiên liệu, phát thải khí thải từ các phương tiện giao thông có lượng phát thải lớn vào môi trường và tập trung chủ yếu là hoạt động giao thông đường bộ.
Đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, nhìn chung xe có tải trọng càng lớn thì hệ số phát thải ô nhiễm càng cao, sử dụng nhiên liệu càng sach thì hệ số phát thải ô nhiễm càng thấp. Các chất gây ô nhiễm không khí chủ yếu sinh ra do khí thải từ quá trình đốt nhiên liệu động cơ bao gồm CO, NO2, SO2, hơi xăng dầu, PM10… và bụi do đất cát cuốn bay lên từ mặt đường trong quá trình di chuyển. Theo Bộ Giao thông vận tải, ngành giao thông vận tải đóng góp khoảng 22,6% tổng lượng phát thải khí nhà kính theo phân ngành năng lượng. Trong đó, xe máy chiếm tỷ trọng lớn trong sự phát thải các chất ô nhiễm, ô tô các loại chiếm tỷ trọng lớn trong sự phát thải SO2, NO2. Hiện nay, những loại xe ô tô cũ và xe máy đều không có bộ kiểm soát khí thải ra môi trường. Đặc biệt là ô tô chở khách có tuổi thọ trên 12 năm vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Các động cơ diesel thải khói đen gấp 7,5 lần so với động cơ xăng, các động cơ xăng gây phát thải chứa chì. Lượng phát thải khí thải của các phương tiện giao thông sẽ tăng lên mỗi khi các xe tăng ga hoặc khởi động lại máy. Vì vậy, tại các ngã tư, nút giao thông, hàm lượng không khí ô nhiễm cao hơn so với các khu vực khác. Các tuyến đường chật hẹp, xuống cấp… gây ùn tắc giao thông cũng là yếu tố đáng kể làm nghiêm trọng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố miền Bắc, ô nhiễm bụi biến động theo mùa, trong đó mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm.
Kiểm soát và xử lý bụi còn hạn chế
Việc kiểm soát và xử lý bụi, khí thải đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2014, nhưng việc thực hiện các quy định này còn bộc lộ nhiều hạn chế. Công tác kiểm soát phát thải khí thải công nghiệp cũng được quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng việc phân loại nguồn thải gây ô nhiễm khí thải cũng như trang thiết bị phục vụ cho hoạt động này để đo đạc, xác định mức độ vi phạm của doanh nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu. Nghị định này cũng chưa có quy định thực hiện quan trắc tự động phát thải đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn bằng lò đốt, trong khi đó hiện chưa có văn bản nào quy định rõ vị trí, thời gian quan trắc theo từng loại hình sản xuất…
Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động xử lý khí thải từ các nguồn gây ô nhiễm mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với yêu cầu thực tế. Với khí thải từ hoạt động giao thông, thời gian qua, mặc dù đã triển khai thu thuế bảo vệ môi trường tính trong giá xăng dầu, nhưng nguồn kinh phí này cũng chưa phát huy hiệu quả, một phần do nguồn thu còn quá nhỏ, một phần do chưa được tái đầu tư sử dụng đúng cho hoạt động kiểm soát, xử lý ô nhiễm không khí.
Khí thải hoạt động từ giao thông phần lớn do phát thải của phương tiện giao thông, đặc biệt phương tiện lữ hành đã hết hạn sử dụng, làm gia tăng lượng phát thải ra môi trường. Trong khi đó niên hạn sử dụng hiện chỉ có quy định đối với ô tô tải và ô tô chở khách, mà chưa có quy định đối với xe cá nhân, xe con dưới 10 chỗ ngồi, xe 4 chỗ và xe máy.
Công tác kiểm soát khí thải đang dần bao gồm hầu hết các loại hình phương tiện và kiểm soát toàn bộ vòng đời sản phẩm từ khâu thiết kế, chế tạo, thử nghiệm đến quá trình lưu hành. Hoạt động kiểm định khí thải đối với xe ô tô được thực hiện từ năm 1999 tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Qua kiểm định hàng năm, khoảng 15% số xe dùng diesel và 5-10% số xe dùng xăng vào kiểm định không đạt tiêu chuẩn khí thải, phải đưa đi bảo dưỡng, sửa chữa lại. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Việc kiểm tra khí thải xe máy chuyên dùng tương tự như đối với ô tô đang lưu hành. Hàng năm, khoảng 6 nghìn phương tiện xe máy chuyên dùng được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, trong đó có hạng mục khí thải.
Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải giao thông đối với các phương tiện giao thông đã đăng ký còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Các phương tiệng giao thông gia tăng nhanh chóng và khó khống chế, đặc biệt ở các thành phố lớn, xe mô tô, xe gắn máy chưa được kiểm định khí thải. Bên cạnh đó, mức tiêu chuẩn khí thải EURO 2 của các phương tiện hiện nay còn thấp so với các nước khác, đặc biệt là chưa có quy định kiểm soát khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Bài cuối: Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ