Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão đang cận kề, thời điểm cuối năm, lương, thưởng Tết là vấn đề được người lao động đặc biệt quan tâm, nhất là khi doanh nghiệp trong nước đang chịu tác động từ những biến động của kinh tế thế giới.
Anh Trần Hoàng Hải, công nhân may tại doanh nghiệp tại Hoài Đức, Hà Nội đến với phiên giao dịch việc làm lưu động tại Bắc Từ Liêm chia sẻ: Nếu như lúc trước mức lương của anh đạt hơn 8 triệu đồng/tháng, thì nay giảm xuống chỉ còn hơn 6 triệu đồng vì đơn hàng giảm. Hơn 2 tháng trở lại đây đều không tăng ca. Do đó, đến phiên giao dịch việc làm anh Hải mong tìm việc làm thêm gần Tết.
“Chuyện thưởng Tết sẽ khó khăn vì phụ thuộc vào khả năng của của công ty. Nhưng lãnh đạo vẫn hứa sẽ có thưởng”, anh Hải chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Hà Nội cho biết, do tác động của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, do đó dự báo mức thưởng Tết của các doanh nghiệp dệt may năm nay sẽ rất khó khăn.
“Khi doanh nghiệp khó khăn thì rất khó để người lao động có lương, thưởng cao. Với các doanh nghiệp dệt may lớn, truyền thống, có thể sẽ cố gắng duy trì mức thưởng Tết bằng năm ngoái để giữ chân người lao động. Nhưng với những đơn vị khó khăn, thì việc đảm bảo trả đủ lương, không nợ lương đã là rất cố gắng trong bối cảnh hiện nay”, bà Hoàng Thị Hồng cho biết.
Phó Chủ tịch Công đoàn dệt may Hà Nội cho biết, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã có những chỉ đạo về việc hỗ trợ, chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, mỗi công đoàn cấp trên trực thuộc Liên đoàn Lao động TP sẽ chi hỗ trợ cho khoảng 10% người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, công đoàn ngành Dệt may Hà Nội cũng đã chỉ đạo các cơ sở căn cứ theo nguồn của đơn vị để hỗ trợ thêm cho người lao động: “Công đoàn Dệt may Hà Nội cũng sẽ tổ chức các chuyến xe đưa người lao động về quê ăn Tết miễn phí. Hiện nay, chúng tôi đã thống kê nhu cầu của người lao động. Dựa theo lịch nghỉ của các doanh nghiệp, dự kiến sẽ tổ chức 3 tuyến xe chính gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh”, bà Hồng thông tin.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chính sách pháp luật của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, tiền thưởng Tết phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Mặc dù luật không quy định thưởng Tết là bắt buộc, nhưng từ nhiều năm nay đã trở thành một nét văn hóa, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị thưởng Tết.
“Năm nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn sẽ duy trì tháng lương thứ 13, một số doanh nghiệp đã đưa nội dung này vào thỏa ước lao động hoặc các quy chế nội bộ. Nhưng một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đơn hàng giảm sút, thậm chí không đảm bảo được việc trả lương, do vậy, việc thưởng Tết chắc chắn sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, con số này chỉ khoảng trên 1.000 doanh nghiệp, với sự vào cuộc của các cấp công đoàn có thể tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn cũng đang đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp giúp giải quyết việc làm, thậm chí có những khoản tiền hỗ trợ nhất định để đảm bảo tất cả người lao động đều có tết sum vầy đầm ấm an lành”, ông Lê Đình Quảng cho biết.
Cuối năm cũng là thời điểm dễ phát sinh những tranh chấp, bất ổn lao động liên quan đến việc lao động bị nợ lương, không có tiền thưởng. Để ngăn chặn tình trạng này, ông Lê Đình Quảng cho biết, các tổ chức công đoàn đang tăng cường giám sát, nắm bắt tình hình thưởng Tết, trả lương và các chính sách khác của doanh nghiệp với người lao động. Các tổ chức công đoàn cũng tích cực tham gia vào việc xây dựng các quy chế thưởng nhằm động viên người lao động, cũng như chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để làm sao việc thưởng trở thành động lực, động viên người lao động làm việc tốt hơn, gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) yêu cầu các Sở LĐTBXH rà soát việc thực hiện chính sách tiền lương và thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, Bộ LĐTBXH giao lãnh đạo các Sở chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động. Từ đó, các đơn vị có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển thị trường lao động.
Bộ LĐTBXH cũng yêu cầu các Sở LĐTBXH hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với người lao động, ví dụ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động theo quy định...