Các doanh nghiệp công nghệ đổi mới ‘vươn ra’ biển lớn

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE) ngày 8/12.

Đây là lần thứ 4 Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Diễn đàn Make in Việt Nam) được tổ chức. Năm nay, Diễn đàn VFTE Make in Việt Nam có chủ đề "Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu".

Sự kiện được tổ chức với 2 điểm cầu trực tuyến tại Nhật Bản và Singapore.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: BTC.

Diễn đàn là nơi gặp gỡ giữa những doanh nghiệp công nghệ số, cơ quan quản lý… để nhìn nhận những việc đã làm trong thời gian qua, kiến nghị những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 tầm nhìn 2045; trong đó có phát triển công nghệ thông tin (CNTT) để thoát bẫy thu nhập trung bình. Để làm được điều này phải giải quyết nhiều vấn đề. Trước tiên là những vướng mắc từ các Thông tư, Nghị định, luật pháp phải thay đổi mạnh mẽ. Hai là phải tập trung hơn vào nhân lực. Đây là câu chuyện được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực CNTT; với mục tiêu 1 triệu nhân lực CNTT, chúng ta phải có giải pháp đặc biệt và đột phá trong đào tạo thì mới thực hiện được. Ba là phải tìm ra cái mới, còn dư địa. Giờ đây nhiều người kỳ vọng vào chuyển đổi số, vào công nghiệp CNTT và truyền thông. Nếu cứ phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ mà không đi vào các mũi nhọn mới của thế giới, trong đó có CNTT thì không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7%/năm.

Phó Thủ tướng cho biết: Công nghiệp CNTT đã có một vị trí quan trọng. Doanh thu năm qua đạt 135 tỷ USD, xuất khẩu đạt 130 tỷ USD nhưng chủ yếu là phần cứng và của doanh nghiệp FDI. Trong khi xuất khẩu phần mềm, dịch vụ và nội dung số chỉ đạt khoảng 5%. Đến nay, Việt Nam có khoảng 65.000 doanh nghiệp nhưng doanh thu chỉ xấp xỉ 5 tỷ USD, đa phần ở các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, cần xác định là dư địa thị trường trong nước còn rất lớn. Bằng chứng là nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn đầu tư vào Việt Nam. Với thị trường trong nước phải đặt ra các bài toán thật cụ thể và làm đến cùng, hoàn thiện sản phẩm để người dùng không phải bận tâm và nghi ngờ.

“Thị trường nước ngoài là vô tận, vậy thì chúng ta phải cùng nhau, phải thay đổi cách làm, cách đi. Nhưng dù là trong nước hay ngoài nước thì phải hình thành đội ngũ. Tôi mong muốn các hiệp hội phát triển mạnh hơn và làm đúng vai trò của mình. Các doanh nghiệp nòng cốt cần cùng nhau, bằng danh dự những người đi đầu, bước thẳng vào kỹ thuật số, mở đường cho đổi mới. Bước sang giai đoạn mới phải phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn. Lịch sử lại giao cho giới CNTT sứ mạng là một trong những mũi nhọn mở đường trong sự nghiệp đưa đất nước thoát nghèo và người dân phải sống hạnh phúc hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cho biết, Bộ TTTT cam kết xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ. Các doanh nghiệp số phải dựa trên đổi mới sáng tạo và chắc chắn công nghệ số chính là động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo - đổi mới sáng tạo bằng công nghệ số. Tiếp đến, các doanh nghiệp phải có nội dung mới, cách làm mới, xung lực mới. Muốn như vậy, phải thay đổi thể chế để bảo đảm cho những việc làm mới đó đúng theo quy định của pháp luật. Bộ TTTT sẽ tiếp thu, rà soát và hoàn thiện thể chế của ngành. Thị trường trong nước phải tiếp tục được khai phá, với việc đổi mới cách làm, chuyên nghiệp và chất lượng; đồng thời lấy thị trường trong nước làm bàn đạp để đi ra nước ngoài.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Bộ TTTT đã công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong quá trình chuyển đổi số gồm: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Chú thích ảnh
Trao giải Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022. 

Ban tổ chức giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make In Việt Nam 2022" đánh giá, năm nay có nhiều sản phẩm chất lượng, nhiều sản phẩm đạt giải có tính cạnh tranh so với các giải pháp của doanh nghiệp nước ngoài đang phục vụ tại Việt Nam.

Tin, clip: XM/Báo Tin tức
Chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng số của nền kinh tế số
Chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng số của nền kinh tế số

Ngày 7/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức diễn đàn “Chương trình 25 năm Internet Việt Nam & Internet Day 2022”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN