Gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động

Sáng 11/12, tại Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội đã tổ chức hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022.

Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: Hội nghị nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô, gắn đào tạo nghề với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), giới thiệu việc làm cho sinh viên năm cuối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và người lao động trên địa bàn thành phố.

Chú thích ảnh
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN đề nghị các trường cao đẳng, trung cấp tăng cường gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo.

Hội nghị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, giá trị và các hoạt động trong lĩnh vực GDNN, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, người học và xã hội về công tác GDNN Thủ đô; Thúc đẩy và khuyến khích học sinh, sinh viên tại các cơ sở GDNN tham gia phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô; Tạo cơ hội gắn kết giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật kịp thời xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu tuyển dụng lao động, tiến tới việc liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp; Góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho biết: Theo phản hồi từ doanh nghiệp, khi tuyển dụng lao động vẫn còn thiếu nhiều kỹ năng, điều đó khiến lao động làm không đúng ngành nghề. Do đó, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần phát triển kỹ năng nghề, gắn kết GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động; đạo tạo kỹ năng nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, những hội nghị gắn kết GDNN với thị trường lao động mà Hà Nội triển khai là hoạt động thiết thực, cần thúc đẩy tổ chức thường xuyên; doanh nghiệp cung cấp thông tin để hiểu rõ hơn về nhu cầu tuyển dụng; tăng cường đào tạo kỹ năng nghề lẫn kỹ năng mềm để học sinh, sinh viên khi ra trường đáp ứng được các yêu cầu công việc của doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ chương trình, 34 doanh nghiệp đại diện cho gần 1.000 doanh nghiệp có hoạt động liên kết, hợp tác với các cơ sở GDNN trên địa bàn Thành phố tham gia ký kết hợp tác, đặt hàng đào tạo với các cơ sở GDNN; Hoạt động của phiên giao dịch việc làm; Trưng bày, giới thiệu một số mô hình khởi nghiệp, sản phẩm thực hành, mô hình thiết bị đào tạo nghề tự làm tiêu biểu của học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Trình diễn kỹ năng nghề thuộc các nhóm nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng; chăm sóc sắc đẹp; công nghệ sơn ô tô...

Tham dự phiên giao dịch việc làm lưu động tại chương trình, ông Jason, Giám đốc cao cấp của Công ty TNHH Inventec Appliaces Việt Nam cho biết: Hiện nhà máy của ông vị tại Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) sắp đi vào hoạt động và đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.000 lao động. Do đó, qua phiên giao dịch việc làm lưu động, ông Jason hy vọng tìm được nguồn nhân sự có tay nghề từ các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn Hà Nội.

Còn em Nguyễn Minh Anh, học sinh trường trung cấp cho biết: Trước mắt, qua phiên giao dịch việc làm, em mong muốn tìm việc bán thời gian gần Tết. Sau Tết, khi tốt nghiệp, em sẽ tìm kiếm công việc lâu dài. Qua phiên giao dịch việc làm, em cũng biết về thông tin tuyển dụng, nhu cầu kỹ năng mà các doanh nghiệp đang cần để hoàn thiện hơn.

Theo Sở LĐTBXH Hà Nội, chương trình thu hút khoảng 8.000 học sinh các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức quan tâm; đồng thời thu hút hơn 2.000 người tới tham gia Phiên giao dịch giới thiệu việc làm lưu động với 40 doanh nghiệp tham gia nhu cầu tuyển dụng cuối năm.

Hiện tại, trên địa bàn Thành phố có 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gọi chung là cơ sở GDNN), trong đó có 310/360 đơn vị có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gồm 69 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp, 54 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề và 128 doanh nghiệp, loại hình khác). Năm 2022, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã tuyển sinh 251.500 lượt người (trình độ cao đẳng 33.700 người; trung cấp 27.900 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 189.900 người), đạt 112% kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tăng 13,23% so với cùng kỳ năm 2021.

Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nghề Công nghề Kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa...

Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72,23%, vượt 0,03% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng 1,13% so với năm 2021. Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%, vượt 1,3% so với kế hoạch đề ra năm 2022, tăng 2,3% so với năm 2022.

Chú thích ảnh
Nghi thức nhấn nút khai mạc hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022.
Chú thích ảnh
Đại diện các trường thông tin về chương trình tuyển sinh.
Chú thích ảnh
Học sinh, sinh viên tìm hiểu thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp.
Chú thích ảnh
Trình diễn kỹ năng nghề của trường cao đẳng, trung cấp.
Bài, ảnh, clip: XM/Báo Tin tức
Đi học nghề để vượt lên cái nghèo
Đi học nghề để vượt lên cái nghèo

Nhờ nỗ lực học tập và kỹ năng tay nghề tiến bộ, Hoàng Văn Quyết được vinh danh là một trong 100 học sinh - sinh viên giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN