Một cảng tổng hợp trong Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: baobinhthuan.com.vn |
Trước khi có Nghị định 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, những quy định áp dụng cho hoạt động nạo vét, đổ thải vật liệu nạo vét của các tuyến luồng hàng hải được áp dụng các quy định tại Quyết định số 73/2013 ngày 27/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Trên thực tế, việc quản lý hoạt động đổ thải bùn nạo vét và các khu vực đổ thải bùn nạo vét trên biển vẫn được tiến hành thông qua việc tổng hợp nhiều quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến các nội dung quản lý cụ thể và được tổng hợp, trình bày trong các báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với từng trường hợp.
Nội dung báo cáo ĐTM của dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định 18/2015 ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Nhìn chung, trên cơ sở Báo cáo ĐTM đối với dự án được thẩm định, cơ quan chủ quản ra quyết định phê duyệt Báo cáo ĐTM.
Quyết định cũng quy định các biện pháp giảm thiểu tác động tới môi trường và chương trình giám sát môi trường do chủ dự án thiết lập, một chương trình giám sát môi trường để thanh tra kiểm soát do các cơ quan có thẩm quyền về môi trường thực hiện trên cơ sở kết hợp với chủ dự án.
Theo nhận xét của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường Biển Việt Nam: Xét về tổng thể, quy định của ĐTM chưa đầy đủ và không phù hợp với đặc thù của biển trong đánh giá tác động đối với chất thải và bãi chứa chất thải trên biển, theo quy định khung 8 bước đánh giá chất thải để cấp phép và kiểm soát hoạt động nhận chìm theo Công ước Luân Đôn, hay Nghị định thư Luân Đôn.
Các đánh giá tác động môi trường mới tập trung đánh giá chủ yếu về mặt môi trường, thiếu các đánh giá trên phương diện tiếp cận tổng thể, đặc biệt là các đánh giá trong việc bảo đảm an toàn giao thông và ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, sử dụng biển khác cũng như các nội dung kiểm soát, giám sát thực hiện việc nhận chìm trên biển còn chưa chi tiết, đầy đủ.
Hơn nữa, các ĐTM chủ yếu mang tính định tính, thiếu các yếu tố định lượng để so sánh, đối chiếu làm cơ sở cho việc quyết định cho đổ thải tại bãi chứa chất thải trên biển hay không. Cũng do thiếu các quy định chung để quản lý hoạt động đổ thải bùn nạo vét và các khu vực đổ thải bùn nạo vét trên biển, nên cách thức tiến hành xây dựng quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét của các địa phương cũng không thống nhất trong việc vận dụng văn bản quy phạm pháp luật, để phân công cho các cơ quan chủ trì thực hiện.
Thậm chí có địa phương còn giao cho Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các sở, cơ quan liên quan tiến hành lập quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên biển, để trình UBND tỉnh phê duyệt căn cứ theo Nghị định số 59/2007 ngày 9/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn, căn cứ Điều 10 về trách nhiệm tổ chức lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch quản lý chất thải rắn.
Phân tích về trách nhiệm tổ chức lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch quản lý chất thải rắn nếu chỉ xem xét riêng Nghị định số 59/2007 thì việc áp dụng Nghị định này là hợp lý, vì Điều 10 quy định: Quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp vùng, liên tỉnh, liên đô thị, vùng kinh tế trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hoặc uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ngành liên quan tổ chức lập quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp vùng, liên tỉnh, liên đô thị và vùng kinh tế trọng điểm. Quy hoạch quản lý chất thải rắn ở địa phương do Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức lập, phê duyệt.
Như vậy, việc thiếu các quy định hướng dẫn việc lập và thực hiện quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét, cũng như thiếu các quy định hướng dẫn để đánh giá, cấp phép, kiểm soát nhận chìm trên biển theo quy định của quốc tế, là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho việc quản lý hoạt động đổ thải trên biển trong thực tế bị lúng túng và bất cập.
Để tháo gỡ những bất cập trong triển khai các hoạt động đổ thải bùn nạo vét và các bãi đổ thải trên biển (đặc biệt là việc phải lập báo cáo ĐTM cho việc duy tu hàng năm), nhằm bảo đảm an toàn giao thông hàng hải, đường thủy nội địa, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của việc vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu trong phạm vi cả nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành Quyết định số 73/2013 ngày 27/11/2013 về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Nhưng đây vẫn là giải pháp tình thế, việc thí điểm thực hiện từ ngày 1/2/2014 đến hết năm 2016.
Mục tiêu việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải nhằm xây dựng cơ chế quản lý đặc thù đối với hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế theo hình thức phù hợp và thủ tục rút gọn, tạo thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả để củng cố và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các bộ, ngành và địa phương và từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải.
Khuyến khích thực hiện xã hội hóa để huy động tối đa nguồn lực của xã hội tham gia vào công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và của nhà đầu tư. Nguyên tắc việc thí điểm thực hiện một số cơ chế đặc thù nhằm phù hợp với thực tiễn hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải, làm cơ sở kiểm tra, đánh giá, so sánh, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải trong phạm vi cả nước; ưu tiên thực hiện xã hội hóa công tác nạo vét, duy tu tất cả các tuyến luồng hàng hải bằng nguồn lực của xã hội.
Ngoài ra, chỉ sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải tại các khu vực cảng biển trọng điểm và các tuyến luồng không có nhà đầu tư tham gia thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Các nội dung thí điểm cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ Giao thông Vận tải quản lý bao gồm: Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt kế hoạch nạo vét, duy tu luồng hàng hải hàng năm, cơ quan quản lý luồng phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình làm cơ sở triển khai thực hiện thi công nạo vét, duy tu luồng hàng hải mà không thực hiện bước lập dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải; không thực hiện việc bảo hành kết quả thi công nạo vét, duy tu luồng hàng hải sau khi đã được nghiệm thu theo quy định; chỉ thực hiện việc báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường cho lần đầu thực hiện công tác nạo vét, duy tu luồng.
Đối với những lần tiếp theo chỉ thực hiện việc quản lý, giám sát môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp có thay đổi vị trí bãi đổ vật liệu nạo vét.
Trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải trong thực hiện thí điểm cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải đó là chỉ đạo thực hiện công tác nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải sử dụng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục khuyến khích thực hiện xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải và khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục lập kế hoạch, phân công, phân cấp và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu luồng hàng hải nhằm bảo đảm đơn giản, thuận tiện, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tăng cường vai trò, trách nhiệm và hiệu quả quản lý nhà nước; rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến thiết kế, thi công, bảo trì luồng hàng hải phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn…
Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện thí điểm cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải là chủ trì, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thủ tục đăng ký tận thu sản phẩm đối với các dự án xã hội hóa thực hiện nạo vét, duy tu kết hợp tận thu sản phẩm theo quy định tại Chỉ thị số 29/2008 ngày 2/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ và quy định có liên quan của pháp luật, bảo đảm đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng trong thực hiện dự án. Việc quản lý hoạt động nạo vét đổ thải vẫn theo cơ chế xin cho chưa có quy trình quy định cụ thể hướng dẫn chi tiết cho hoạt động này.
Để hạn chế ảnh hưởng của hoạt động này tới môi trường, Việt Nam hiện nay vẫn áp dụng quy định lập ĐTM cho từng dự án. Tuy vậy, quản lý theo ĐTM là không phù hợp với đặc trưng cho kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, vì môi trường biển không có ranh giới và có thể lan truyền ô nhiễm ảnh hưởng tới các khu vực xung quanh. Việc cấp phép vị trí đổ thải của từng địa phương còn nhỏ lẻ chưa có quy hoạch dài hạn.
Việc đánh giá, giám sát định kỳ môi trường xung quanh trước và sau khi diễn ra đổ thải và quy trình giám sát hoạt động nạo vét, cũng như hoạt động đổ thải chưa có cơ quan giám sát thực hiện. Đặc biệt là chưa chú trọng việc nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về quản lý hoạt động đổ thải, nhận chìm trên biển; năng lực quản lý hoạt động đổ thải, nhận chìm trên biển còn yếu; chưa chú trọng việc nghiên cứu, thiết lập cơ chế huy động các hệ thống viễn thám, quan trắc, giám sát ô nhiễm môi trường biển trong phối hợp quản lý hoạt động đổ thải, nhận chìm trên biển.
Cũng chưa thiết lập được các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới để phục vụ cho quản lý hoạt động đổ thải, nhận chìm trên biển nói chung và trong quản lý việc đổ thải chất thải, các bãi chứa chất thải trên biển. Đồng thời, công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức về mối nguy hại do đổ thải, nhận chìm cho cộng động và doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng.
Do đó có thể khẳng định rằng, Nghị định 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã khắc phục được nhiều bất cập về công tác này. Minh chứng là tại Điều 60, Chương VIII của Nghị định đã quy định rõ ràng hơn về danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển, bao gồm chất nạo vét; bùn thải; các chất thải từ thủy sản hoặc các chất thải phát sinh từ hoạt động chế biến thủy sản; tàu thuyền, giàn nổi hoặc các công trình nhân tạo ở biển; các chất địa chất trơ và chất vô cơ; các chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên; các vật thể lớn được tạo thành chủ yếu từ sắt, thép, bê-tông và các chất tương tự không độc hại mà trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể không có cách xử lý nào tốt hơn là nhận chìm; Carbon dioxide (CO2) được thu và lưu trữ.
Đặc biệt, Điều 41- Hạn chế các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển trong Nghị định cũng nêu rõ: Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ làm suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên chỉ được tiến hành khi đã có giải pháp bảo đảm không làm ảnh hưởng đến yêu cầu, mục tiêu của việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng quản lý hiệu quả hơn tài nguyên và môi trường biển trong hiện tại và tương lai.