Định danh nghề ‘lái xe công nghệ’

Lái xe từ Uber, Grab, Goviet trước đây đến Be hiện nay (các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ gọi xe) đều chưa một lần khẳng định đây là một nghề chính thức như các nghề khác trong xã hội, mà chỉ là một sản phẩm kinh doanh “tay trái” tạo thêm thu nhập. Điều này không chỉ khiến đội ngũ lái xe này thiệt thòi vì không được định danh, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được đào tạo bài bản các kỹ năng tay nghề và gặp nhiều khó khăn khi giải quyết các vấn đề liên đới đến pháp luật.

Phân biệt đối xử

Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), khảo sát ý kiến của lái xe công nghệ các hãng xe nêu trên, cũng như khách hàng, có đến 47% lái xe công nghệ cảm thấy không được tôn trọng trong quá trình tiếp xúc với khách hàng, biểu hiện qua các hành vi như: Để lái xe chờ quá lâu, hủy chuyến mà không phản hồi hay việc dùng từ ngữ thiếu tôn trọng để giao tiếp; gần 70% lái xe mong muốn được đối xử tôn trọng hơn từ khách hàng và phản hồi đúng về chất lượng dịch vụ; 33% lái xe muốn được công nhận đây là một nghề nghiệp chính thức.

Chú thích ảnh
Quy trình đào tạo, sát hạch lái xe bài bản sẽ góp phần đảm bảo cho các học viên có tay nghề chuyên nghiệp. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.

“Kết quả trên cho thấy, từ việc nghề lái xe công nghệ bị “ngó lơ” trong vấn đề đào tạo bài bản, chuyên nghiệp cũng như khung pháp lý bảo hộ chưa hoàn thiện, đã dẫn đến cái nhìn thiếu tôn trọng từ cộng đồng dành cho công việc này. Một phần bởi cách nhìn nhận từ cộng đồng, khiến đôi khi, người lái xe công nghệ chưa thực sự có thái độ nghiêm túc, chuyên nghiệp với nghề. Rõ ràng, vấn đề chuẩn hóa, công nhận và tôn vinh nghề lái xe công nghệ chưa bao giờ quan trọng và cần thiết như bây giờ”, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết.

Qua tìm hiểu, trong 5 năm trở lại đây, nghề lái xe công nghệ đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Ước tính, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, có đến hơn 300.000 lái xe phục vụ trong lĩnh vực ứng dụng gọi xe, 380 cơ sở sát hạch, đào tạo lái xe, nhưng chưa có nơi nào cung cấp kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên nghiệp cho lái xe công nghệ. Bên cạnh đó, khoảng 72% khách hàng phản hồi mong muốn lái xe công nghệ được huấn luyện chuyên nghiệp hơn, để có thể đem lại dịch vụ chất lượng tốt nhất cho khách hàng. Trong khi, có khoảng 24% lái xe muốn được huấn luyện nhiều hơn các kỹ năng để có thể làm tốt công việc.

Bên cạnh sự thiếu hụt trong việc xây dựng quy trình chuyên nghiệp hóa nghề lái xe công nghệ, đối tượng lao động này còn không được hưởng chế độ phúc lợi lao động như bảo hiểm y tế - sức khỏe, chế độ lương hưu, dù mỗi ngày họ làm việc trung bình 6 - 12 giờ với nhiều khó khăn, nguy hiểm tiềm ẩn như tai nạn giao thông, trộm cướp, các bệnh tật về xương khớp, da liễu, tinh thần… Chính vì thế, theo khảo sát, gần 60% lái xe công nghệ mong muốn được hưởng chế độ bảo hiểm tốt hơn.

Chuẩn hóa để định danh

Với bức tranh về thực trạng nghề nghiệp nêu trên, dù công việc này có thể mang lại sự ổn định cho người lao động khi có đến gần 57% số lái xe công nghệ lạc quan về nghề nghiệp vì có thu nhập tốt và họ vẫn đang hàng ngày nỗ lực đóng góp cho xã hội như bao nghề nghiệp khác, thì nghề lái xe công nghệ vẫn chưa thật sự được bảo vệ xứng đáng bởi luật pháp và xã hội. Bên cạnh đó, nghề lái xe công nghệ chưa nhận được nhiều sự cảm thông và tôn trọng của đại bộ phận cộng đồng, cũng đang gây nên những hệ quả không đáng có trong quá trình thực hiện mỗi chuyến đi.

Chú thích ảnh
Lái xe công nghệ cần được định danh nghề nghiệp. Ảnh: Tiến Hiếu.

Trước thực tế trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hiện đã phối hợp với Công ty Cổ phần BE GROUP (đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be) tiên phong triển khai các chương trình giáo dục nghề nghiệp và đánh giá, công nhận kỹ năng nghề lái xe công nghệ, nhằm chuẩn hóa và định danh lực lượng lao động này tại Việt Nam.

Hình thức giáo dục thông qua các khóa đào tạo, huấn luyện lái xe công nghệ chuyên nghiệp đầu tiên và thường xuyên, nhằm thu hút đội ngũ lái xe công nghệ đang hoạt động hiện nay đăng ký tham gia đào tạo bải bản để lấy chứng chỉ nghề; đồng thời, có thể nâng cao kỹ năng nghề nghiệp từ các cuộc thi “Tay lái Vàng” sau khi được đào tạo. Các khóa đào tạo sẽ tập trung vào 4 nhóm kiến thức - kỹ năng, gồm: Kiến thức lái xe đúng luật và an toàn, kỹ năng xử lý tình huống giao thông (giả định), dịch vụ khách hàng, kiểm soát căng thẳng.

“Lái xe nói chung hay lái xe công nghệ nói riêng là một công việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng tốt vì công việc dịch vụ vận tải này liên quan trực tiếp đến an toàn tính mạng của con người. Do vậy, lực lượng lao động này cần được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá cao vai trò tiên phong và tầm nhìn dài hạn của Công ty Cổ phần BE GROUP trong việc phối hợp với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp để chuẩn hóa nghề lái xe công nghệ”, ông Nguyễn Hồng Minh cho hay.

Trao đổi về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ: “An toàn giao thông là mục tiêu toàn diện, đòi hỏi sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, của mọi cá nhân, tổ chức đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực của các doanh nghiệp vận tải, trong đó có BE GROUP đã luôn đồng hành và hành động có trách nhiệm xã hội đóng góp vào công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ủy ban tin tưởng các khóa đào tạo của BE GROUP và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp sẽ giúp các lái xe công nghệ tạo quy chuẩn để trở thành một nghề trong kỳ thi nghề quốc gia”.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc BE GROUP khẳng định, mục tiêu dài hạn của Be là muốn xã hội công nhận lái xe công nghệ là một nghề bởi họ cũng lao động khoảng 6 - 12 tiếng/ngày. Đã là nghề thì họ phải được cộng đồng tôn trọng, được bảo vệ bởi pháp luật, chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước, Luật Lao động. Nếu lái xe công nghệ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, coi trọng nghề nghiệp của mình, họ sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ với khách hàng. Bản thân khách hàng cũng có cái nhìn thiện cảm hơn, từ đó thay đổi định kiến với nghề này.

Tiến Hiếu/Báo Tin tức
BE GROUP và VPBank hợp tác hướng đến hệ sinh thái tài chính công nghệ
BE GROUP và VPBank hợp tác hướng đến hệ sinh thái tài chính công nghệ

Năm 2019, BE GROUP và VPBank sẽ hợp tác cùng nhau để ra mắt các dịch vụ thanh toán, tài chính cho khách hàng cá nhân, tài xế và khách hàng doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN