Điều tiết xả lũ hợp lý giúp người dân yên tâm sản xuất

Vận hành hồ chứa đúng quy trình, phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong điều tiết nước, xả lũ… luôn được các nhà máy thủy điện quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Trong những năm qua, nhờ có sự phối hợp với địa phương một cách chặt chẽ, khoa học, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã thực hiện chức năng điều hòa nguồn nước, cấp nước tưới cho hạ du công trình, giúp đảm bảo sản xuất và an toàn cho người dân dưới khu vực hạ lưu.

Nhà máy thủy điện buôn Tua Srah, Đắk Nông. Ảnh: baodaknong.org.vn

Chúng tôi có dịp về thăm Nhà máy Thủy điện Srêpôk 3 và cùng các cán bộ, công nhân của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị đang quản lý vận hành 3 nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3) đi quan sát thực tế dọc tuyến sông Krông Nô.

Sông Krông Nô đi qua địa bàn 8 xã thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Chiều dài dòng sông khoảng 60km tính đến hồ thuỷ điện Buôn Kuốp. Theo người dân sống bên bờ sông Krông Nô, trước đây, khi chưa có thủy điện, cuộc sống người dân rất kham khổ.

Bà Phạm Thị Mười, sống ven sông Krông Nô, tại thôn Xuyên Hải, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã được hơn 20 năm. Bà Mười cho biết, trước kia chưa có đập thủy điện, bên bờ sông hay xảy ra lũ.

“Trước đây chỉ được một vụ lúa, đèn không có, điện không có. Mỗi lần lũ về vào khoảng tháng 7 - 8, người dân phải kéo nhau lên đồi núi cao để tránh lũ, mang theo gạo, ngô và muối để ăn. Nhưng từ ngày có đập thủy điện thì đã không còn lũ nữa, mùa khô người dân cũng đã có điện nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, một năm có được 2 vụ lúa và ngô. Đường cũng được làm rất đẹp. Người dân chúng tôi rất phấn khởi”, bà Mười chia sẻ.

Là hàng xóm với bà Mười, bà Lê Thị Hải cũng cho hay, khoảng 6-7 năm trở lại đây, từ khi có thủy điện thì đời sống người dân cũng khá hơn rất nhiều, giúp người dân có nước khi hạn, và giảm ngập lụt khi vào mùa lũ. “Từ năm 2009 trở về trước, mỗi lần có lũ, nước thường dâng cao bên bờ sông, lên tận nóc nhà, nhưng giờ thì hết rồi. Nguồn nước được điều tiết và thông báo xả nước cho người dân chúng tôi rất thường xuyên và rõ ràng”.

Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cũng cho biết, quy chế phối hợp giữa công ty với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông về việc vận hành, điều tiết hồ chứa thủy điện trong mùa lũ đã được ký kết vào năm 2015. Theo đó, Ban chỉ huy của 2 tỉnh đã thành lập Tổ giúp việc cho Trưởng ban, gồm nhân sự của Công ty để tham mưu cho Trưởng ban quyết định chế độ vận hành của hồ chứa khi có tình huống xảy ra trong mùa mưa bão.

Đồng thời phương án phối hợp giữa Công ty với Ban chỉ huy 2 tỉnh, các huyện thị liên quan, đài khí tượng thủy văn và các hồ chứa trên bậc thang cũng được ký kết thông qua và hiệu chỉnh hàng năm cho phù hợp. Nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, an toàn hạ du, đồng thời tính toán tích nước để đảm bảo cho vùng hạ du sản xuất, sinh hoạt…

Huyện Krông Nô có 11 xã, 1 thị trấn; trong đó có 5 xã Quảng Phú, Đắk Nang, Đức Xuyên, Nâm N’Dir và Buôn Choah với khoảng 4.380 hộ sinh sống ở hạ lưu của Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah và có trên 5.000 ha đất sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước tưới, cũng như chịu tác động khi nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah xả lũ điều tiết.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, trong những năm qua, huyện đã tích cực phối hợp với Công ty thủy điện Buôn Kuốp để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ở hạ lưu.

Hàng năm, vào đầu mùa mưa lũ, hai bên đều có phương án, đảm bảo tổ chức điều tiết nước cho tưới tiêu, cũng như đảm bảo an toàn cho người dân. Đặc biệt trong mùa mưa lũ, thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình khí tượng thủy văn trong khu vực, công tác xả lũ hồ chưa, tình hình ngập lụt do xả lũ hồ gây ra. Về mùa khô kiệt thì huyện cũng phối hợp xây dựng lịch xả, lưu lượng xả để đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất cho người dân, ông Doãn Gia Lộc cho hay.

Ông Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông, kiêm Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng cho biết, toàn bộ lưu lượng về, lưu lượng xả và nước trong hồ đều được kiểm soát rất chặt chẽ nên quá trình vận hành, điều tiết đều được hợp lý, đảm bảo an toàn cho hồ đập và hạ du...

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, trong quá trình phối hợp xả lũ điều tiết vẫn còn những bất cập cần điều chỉnh. Vì thế, đại diện huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã đề nghị với Chính phủ cần điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ, phân cấp ủy quyền đối với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh quyết định điều tiết xả lũ, thay vì giao UBND tỉnh.

Tăng cường sự phối hợp giữa các bên trong vận hành hồ chứa là cần thiết để vừa đảm bảo an toàn cho hồ đập, vừa cung cấp điện, nước cho sản xuất, sinh hoạt và an toàn vùng hạ du. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc chủ động phối hợp chặt chẽ giữa công ty thủy điện và các xã, huyện địa phương… thì cũng cần xây dựng quy chế phối hợp đồng bộ giữa chủ đầu tư, địa phương và các ban ngành có liên quan, quy chế chia sẻ thông tin giữa các công trình trong khu vực.

Đức Dũng (TTXVN)
Ứng phó với bão số 4: Các nhà máy thủy điện ở Thừa Thiên - Huế chủ động xả lũ
Ứng phó với bão số 4: Các nhà máy thủy điện ở Thừa Thiên - Huế chủ động xả lũ

Chiều 25/7, tại Thừa Thiên - Huế có mưa vừa đến rất to, một số tuyến đường ở thành phố Huế như Tố Hữu, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Phan Chu Chu Trinh, Bến Nghé...bị ngập từ 0,2-0,4m.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN