Công ty Thủy điện Hòa Bình đã mở cửa xả lũ ngày 18/7, nhằm bảo đảm an toàn cho hồ Hòa Bình, có dung tích chứa hơn 9 tỷ m3 nước. Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN |
Chỉ trong 2 ngày 19 và 20/7, đã có 73 lồng cá với hơn 150 tấn cá đặc sản (chủ yếu là các giống da trơn như chiên, lăng, cá tầm) tại huyện Thanh Thủy và một số xã nuôi cá lồng ven sông Đà của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ bị chết trắng, thiệt hại ước tính hơn 6 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, nước sông vẫn đang tiếp tục lên, đồng nghĩa với việc cá chết không thể dừng lại và người dân đang tìm mọi cách cứu cá.
Ông Thiều Minh Thế, khu 5, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy cho biết: Trong ngày 18 và 19/7, Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy, nước sông Đà bắt đầu chảy mạnh và chuyển dần từ màu xanh trong sang đục đỏ. Gia đình có 40 lồng cá đều bị ảnh hưởng, nhiều cá bị chết, trong đó có tới 4 lồng cá lăng đặc sản bị chết hoàn toàn. Thiệt hại đến nay lên đến hơn 500 triệu đồng.
“Việc xả đáy của Thủy điện Hòa Bình khiến cá chết hàng loạt, thiệt hại nặng nề, người dân rất mong các cấp, ngành địa phương có biện pháp kịp thời nhằm cứu vãn tình hình; hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật giúp bà con khắc phục thiệt hại, tái sản xuất” ông Thế chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ với hộ ông Thế, ông Dương Tiến Dũng (Khu 5, xã Xuân Lộc) bộc bạch: Vốn liếng đầu tư cho nuôi cá lên đến cả tỷ đồng mà bỗng nhiên mất gần hết. Gia đình có 15 lồng, đã có hai lồng cá lăng mất trắng, số lồng còn lại chỉ còn 20% so với ban đầu cá chưa bị chết; cá ngạnh chết khoảng 1 ngàn con; cá chiên, diêu hồng chết lác đác…
Trước tình trạng cá bị chết chưa rõ nguyên nhân, các chủ lồng đã dùng nhiều biện pháp khẩn cấp để “cứu cá” đang bấp bênh trên mặt nước. Từ 7h sáng 20/7, chủ lồng đã bật sục khí, bơm nước tạo ôxi cho các lồng bằng máy bơm tự túc, nhưng đây cũng chỉ là phương án tạm thời với phương châm “còn nước còn tát” để cứu cá.
Anh Đặng Văn Luyện, khu 5 xã Xuân Lộc cho hay, giải pháp trước mắt vẫn là dùng máy bơm sục khí, tăng cường bơm nước. Nhiều hộ tiến hành luồn bạt vào lồng, đồng thời bơm nước sạch từ trên bờ xuống để tạo nước trong và sục khí lấy ôxi…
Anh cho biết, biện pháp này chỉ là mày mò, học mót khi đi mua cá giống. Sau khi làm thử nghiệm cho 1 lồng cá lăng đuôi đỏ từ sáng 20/7, tỉ lệ cá chết đã giảm, anh bắt đầu triển khai cho các lồng khác.
Tại xã Bảo Yên, hàng loạt chủ lồng cũng đang bất lực trước hiện tượng cá chết bất thường.
Ông Nguyễn Đạo Luật Chí, khu 4, xã Bảo Yên cho hay, sáng sớm 21/7, 25 lồng cá lăng của gia đình có hiện tượng chết.
Từ hôm qua (20/7), rất nhiều hộ có cá lồng bị chết, lồng cá to thì 4-5 tấn; lồng cá nhỏ cũng hơn 1 tấn. Nhiều lồng cá chết hàng loạt chưa kịp nổi lên mặt nước nhưng khi kéo lên, cá chết rất nhiều…
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Thọ, dọc sông Đà từ xã Tinh Nhuệ (huyện Thanh Sơn) về xã Xuân Lộc (huyện Thanh Thủy) có hơn 50 hộ nuôi cá lồng với hơn 440 lồng cá, tổng sản lượng khoảng 1.000 tấn. Theo thông tin ban đầu, 100% các hộ đã bị ảnh hưởng. Hiện tượng cá chết bắt đầu từ đêm 19 rạng ngày 20/7.
Đến thời điểm 1 giờ sáng ngày 21/7, thông tin cập nhật từ các chủ lồng đã có nhiều hộ mất trắng, chủ yếu là cá giống và cá đặc sản.
Nguyên nhân cá chết ban đầu được cơ quan chức năng xác định là do Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ khiến lượng bùn tăng lên làm cá bị ngạt khí.
Trước thực trạng trên, sáng 21/7, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ đã đi thị sát thực tế để có biện pháp xử lý.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo hộ nuôi cá neo đậu các lồng bè để không bị trôi; tăng cường các máy sục khí tại các lồng bè nhằm tránh trường hợp cá bị thiếu ô-xy; khuyến cáo người nuôi cá lồng bán các loại cá đã đủ độ tuổi… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ cũng như việc xả đáy gây ra.
Tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu thiệt hại, đồng thời, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể để thông báo đến người dân và các cơ quan chức năng.