Theo Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT), hàng năm đến ngày 15/6 các hồ thủy điện xả lũ. Do đó, hoạt động ở hạ du phải tính đến việc chủ động thích ứng với việc xả lũ để đảm bảo an toàn cho người dân và sản xuất.
Năm nay, từ ngày 11/7 trước thời điểm xả lũ 7 ngày, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chóng thiên tai đã có văn bản gửi các địa phương thông báo về việc khả năng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ xả lũ. Chính vì vậy các địa phương đã chủ động triển khai thông báo cho người dân vùng hạ du, đồng thời có các phương án đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Ban chỉ đạo Trung ương đã thông báo địa phương từ rất sớm, các địa phương đã làm tốt công tác xả lũ, thực hiện đúng quy trình, quá trình xả lũ được đánh giá tốt, đảm bảo an toàn hạ du, không có thiệt hại về người. Tuy nhiên đáng tiếc là có một số hộ dân ở Tuyên Quang, Phú Thọ và Hòa Bình đã thiệt hại thủy sản, cá nuôi trên lồng bè do sặc nước.
Do vậy, sáng nay, (25/7) ông Văn Phú Chính – Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch các tỉnh, thành phố. Các địa phương cần triển khai ngay việc hỗ trợ thiệt hại để bà con yên tâm ổn định sản xuất.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2017, Chính phủ đã có Nghị định 02 về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai lũ lụt, các địa phương có trách nhiệm đánh giá thiệt hại, kiểm kê thiệt hại của người dân, sau đó chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thiệt hại. Nếu các địa phương thấy số tiền hỗ trợ thiệt hại vượt quá ngân sách thì báo cáo cho Bộ NN&PTNT để bộ báo cáo Chính phủ tính toán phương án hỗ trợ tiếp theo.
Theo ông Chính, qua sự việc này các địa phương, cần chủ động hơn nữa, tuyên truyền liên tục để bà con vùng hạ du nắm được thông tin để có phương án đảm bảo an toàn. Về phía người dân, họ không nên chủ quan.
Thủy điện xả lũ có thể ảnh hưởng tới đời sống của người dân vùng hạ du. Ảnh: TTXVN |
Như Tin Tức đã đưa, theo tổng hợp từ hai tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ, sau khi thủy điện xả lũ đã có hơn 400 tấn cá nuôi trong các lồng, bè của người dân bị chết, gây thiệt hại nặng nè cho bà con. Trong đó Phú Thọ thiệt hại nặng nhất với hơn 350 tấn cá bị chết.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phú Thọ cho biết, khu vực chịu thiệt hại nặng là huyện Thanh Sơn hạ lưu sông Đà. Khu vực này có hơn 440 lồng bè nuôi cá của người dân. Trong đó, có hơn 200 lồng bè có cá ở huyện Thanh Sơn bị chết ngạt khí do xả lũ, thiệt hại ước tính 350 tấn cá.
Theo người nuôi cá ở Thanh Sơn, khi xả lũ, dòng chảy lớn khiến cá bị ngạt khí. Hơn nữa, khi đập thủy điện xả đáy kéo theo các độc tố từ bùn đáy tích tụ lâu ngày trôi xuống khu vực hạ nguồn.
Còn theo Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, 2 địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong tỉnh Hòa Bình là Kỳ Sơn và TP Hòa Bình đang tiếp tục thống kê số cá của người dân bị thiệt hại. Theo báo cáo của huyện Kỳ Sơn, lượng cá chết đến sáng nay 24/7 khoảng 35,6 tấn, còn tại TP Hòa Bình có hơn 20 tấn cá lồng bè bị chết.
Bà Đặng Thị Duyên, Phó Giám đốc Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình cho biết “Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện đang có hơn 4.000 lồng bè nuôi cá nhưng ở hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình chỉ có 400 lồng bè, trong đó có khoảng 250 lồng bè bị thiệt hại”.
Tại tỉnh Hòa Bình, trong những ngày qua, bà con đang phải bán tháo cá chết cho các chủ vườn cam bón cây với giá 10.000 đồng/kg