Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam: 56 ngày không có ca mắc mới; giám sát việc hỗ trợ người khó khăn do dịch

Đến 18 giờ ngày 11/6, Việt Nam đã trải qua 56 ngày không có ca mắc mới COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, bệnh nhân số 91 đang tiếp tục hồi phục, các bệnh nhân COVID-19 điều trị đều có sức khoẻ ổn định.

Theo Bộ Y tế,  hiện nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 9.226 trường hợp, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 159 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 8.722 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 345 người.

Trong ngày 11/6, Việt Nam có thêm 1 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh là BN303 (nam, sinh năm 1972, quốc tịch Việt Nam) điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Bệnh nhân vào viện ngày 15/5/2020. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có 2 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, lần 1 vào ngày 8/6/2020 và lần 2 vào ngày 10/6/2020.

Chú thích ảnh
Cách ly tập trung người nhập cảnh phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Ngay sau khi bệnh nhân cuối cùng tại đây được công bố khỏi bệnh, khu cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cũng đã được dỡ bỏ, các bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân trong những ngày vừa qua sẽ tiếp tục thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Theo báo cáo của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, hiện 12  bệnh nhân COVID-19 còn lại đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định.

Về tình hình sức khoẻ của BN91 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy: Bệnh nhân đang tiếp tục hồi phục, bệnh nhân đã thực hiện được các hoạt động tinh tế, nhớ được mật khẩu điện thoại…. Bệnh nhân đang được tập cai máy thở.

Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm "nhiệm vụ kép", vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiếp tục thực hiện 6  biện pháp bảo vệ trong phòng, chống dịch  COVID-19, gồm: Vệ sinh tay, che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay, hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 1 m và thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào.

Giám sát việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và hạn, mặn 

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Thu Hiền/TTXVN.

Sáng 11/6, tại Bến Tre, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bến Tre về tình hình công tác Mặt trận từ đầu năm đến nay, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm; kết quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Bến Tre tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân trong lựa chọn những mô hình hay, cách làm tốt, có giải pháp lâu dài trong ứng phó hạn, mặn để đề xuất nhân rộng.

Đối với việc triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong dịch COVID-19, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, tỉnh Bến Tre đã triển khai đồng bộ các biện pháp phối hợp thực hiện, giám sát, chỉ đạo sớm hỗ trợ người dân. Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục tục phối hợp chặt chẽ tuyên truyền, vận động, giám sát, lắng nghe và tổ chức thực hiện những vấn đề người dân tâm tư; có cơ chế, hình thức phát huy vai trò giám sát, phản ánh của người dân.

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Đoàn Văn Đảnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bến Tre cho biết, thực hiện lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc toàn dân tham gia phòng chống dịch COVID-19, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiếp nhận trên 2,7 tỷ đồng và một số hàng hóa trị giá khoảng 816 triệu đồng của 93 đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ; vận động lắp đặt và đưa vào vận hành 6 máy “ATM gạo”, vận động được trên 85 tấn gạo và trên 20.000 quả trứng gà… Qua đó đã phần nào giúp được hàng nghìn người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hạn, mặn.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện, xã đều xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Qua kiểm tra, giám sát, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời tổ chức triển khai đến UBND các huyện, thành phố. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố có văn bản triển khai đến các xã, phường, thị trấn để thực hiện hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến ngày 4/6/2020, các huyện, thành phố đã hoàn thành việc chi hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo (nhóm 5, 6, 7) cho 165.085 đối tượng, với kinh phí 172 tỉ đồng, chỉ còn một vài người dân do đi làm ăn xa chưa đến nhận tiền theo giấy mời. Các nhóm đối tượng còn lại, các địa phương thực hiện song song với việc vừa chi hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng trên, vừa tiến hành rà soát để thực hiện việc hỗ trợ theo quy định.

Nghiệm thu đề tài chẩn đoán tác nhân gây bệnh do chủng mới của virus SARS-CoV-2 

Ngày 11/6, tại Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học: "Chế tạo, thẩm định chứng dương nhân tạo và đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây bệnh hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2". Đề tài mang tính cấp bách, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với dịch COVID-19 và chưa tìm ra phương thức điều trị hữu hiệu.

Mục tiêu của công trình nghiên cứu này là: Nghiên cứu chứng dương chẩn đoán tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2; thẩm định, đánh giá chứng dương nhân tạo trong nghiên cứu theo chuẩn quốc tế; chế tạo đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2; thẩm định, đánh giá đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Nhóm nghiên cứu trình bày quy trình và thành phẩm của đề tài nghiên cứu. Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN.

Đây là công trình nghiên cứu và chế tạo thành công thành phẩm chẩn đoán tác nhân gây bệnh hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 đầu tiên của Việt Nam. Ưu điểm vượt trội là thành phẩm có giá thành được so sánh chỉ bằng 2/3 giá nhập khẩu hiện nay, điều kiện bảo hành không cần môi trường phòng lạnh mà chỉ cần nhiệt độ bình thường (35 - 37°C). Bên cạnh ý nghĩa về giảm chi phí, việc Việt Nam sản xuất được chứng dương nhân tạo còn giúp tự chủ được nguồn cung và giảm thiểu thời gian chờ đợi kết quả cho bệnh nhân.

Các chuyên gia trong Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài như Phó Giáo sư Trần Đỗ Hùng (Đại học Y Dược Cần Thơ), Phó Giáo sư Nguyễn Đức Tuấn (Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh), Tiến sĩ Nguyễn Đăng Thoại (Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch) đều thống nhất đánh giá cao kết quả nghiên cứu cũng như tính ứng dụng và cấp thiết của đề tài.

Trước mắt, một số sản phẩm của đề tài trong tổng số 12.500 chứng dương nhân tạo, 12.500 đoạn mồi được nhóm nghiên cứu chế tạo ra sẽ được chuyển giao cho Sở Y tế Cần Thơ và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, tiếp đó sẽ mở rộng thương mại hóa sản phẩm, cung cấp rộng rãi cho các địa chỉ y tế có nhu cầu.

Bệnh nhân phi công người Anh đã ngồi xe lăn và được phơi nắng mỗi sáng

Chiều 11/6, thông tin từ bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, nam phi công người Anh (43 tuổi) mắc COVID-19 đã có thể ngồi được xe lăn với sự trợ giúp nhân viên y tế để phơi nắng mỗi sáng.

Theo các bác sĩ, sau một tuần cai ECMO, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện tốt lên từng ngày. Về nhiễm trùng ở phổi do Burkholderia cenocepacia và Ralstonia Pickettii, mẫu cấy đàm gần nhất đã âm tính. Trong 2 ngày qua, bệnh nhân được tập bỏ máy thở ngắt quãng và thời gian bỏ máy thở đang tăng dần, bệnh nhân không còn sốt, thở chậm hơn với lượng oxy cung cấp chỉ 3 lít/phút.

Chú thích ảnh
Phi công Anh được đưa ra ngoài phơi nắng vào mỗi sáng. Anh: BV.

Ngoài ra, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể nhớ cả mật khẩu của điện thoại và iPad của mình; vận động hai chi trên dần hồi phục về mức bình thường, có thể cầm bút viết lên bảng và sử dụng được điện thoại, sức cơ hai chân cũng cải thiện 3/5 từ mức 1/5 của 1 tuần trước đó. Đặc biệt, bệnh nhân cũng có thể ngồi được trên xe lăn với sự trợ giúp của nhân viên y tế để phơi nắng mỗi sáng.

Theo bệnh viện, trong thời gian sắp tới, bệnh nhân sẽ được ngưng kháng sinh khi đã đủ liều, tiếp tục tập bỏ máy thở, tiếp tục dinh dưỡng đầy đủ, tập vận động phục hồi chức năng tích cực, phòng ngừa các nguy cơ nhiễm trùng mới; sau cùng là đánh giá việc rút cannule mở khí quản sau khi đã bỏ được máy thở để bệnh nhân có thể giao tiếp trở lại bằng lời nói.

Các bác sĩ điều trị nhận định, với sự tiến bộ hiện tại của bệnh nhân, có thể thời gian bỏ hoàn toàn máy thở sẽ ngắn hơn như đã tiên lượng trước đó.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Giám sát việc thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và hạn, mặn 
Giám sát việc thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và hạn, mặn 

Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn tại Bến Tre.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN