Dịch COVID-19 phức tạp, người đến bệnh viện đã khai báo y tế điện tử nhiều hơn

Từ khi triển khai Quyết định 2666/QĐ-BYT về việc sử dụng ứng dụng khai báo y tế điện tử và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng chống dịch COVID-19, theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, đối với các bệnh viện đã có sự thay đổi đáng kể.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế hỗ trợ khai báo y tế điện tử.

Trước đây, khi đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, dù có biển hướng dẫn khai báo điện tử nhưng phần lớn người dân đều chọn cách khai báo y tế bằng giấy. Rất ít người lựa chọn khai báo điện tử và quét QR Code.

Tuy nhiên, khoảng 2 tuần trở lại đây, tất cả người đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đều phải khai báo y tế điện tử. Theo đó, người có nhu cầu đến khám và ra vào bệnh viện đều qua 4 luồng có nhân viên y tế hướng dẫn khai báo điện tử. Nếu người nào không biết sử dụng smartphone sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn khai báo qua máy tính. Nếu ai biết dùng smarphone quét QR Code sẽ phân luồng đi riêng. Điều này khuyến khích nhiều người sử dùng smartphone quét QR Code và cài đặt ứng dụng Bluezone do sự tiện lợi trong khai báo nếu ra vào thường xuyên.

Việc phân luồng khai báo y tế điện tử cũng trở thành yêu cầu bắt buộc với nhiều bệnh viện lớn khác trên địa bàn Hà Nội nhằm kiểm soát người ra vào và hỗ trợ truy vết khi cần thiết.

Trao đổi về vấn đề này, Ths.BS Ngô Quang Hùng, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: Thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Y tế, hiện nay chúng tôi đã áp dụng 100% người bệnh, người nhà đến Bệnh viện khai báo y tế điện tử, check mã QR Code ngay từ khu vực sàng lọc. Bệnh viện đã bỏ hoàn toàn hình thức khai báo giấy, dùng theo công nghệ của Bộ Y tế hướng dẫn. Với những người có điện thoại di động thì họ sẽ tự cài ứng dụng và sử dụng để khai báo; còn với những người không có điện thoại thông minh, sẽ có nhân viên y tế đứng ở các kiot để hỗ trợ khai giúp người dân.

Để phục vụ ứng dụng công nghệ trong khai báo y tế, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã trang bị một loạt điện thoại di động, cấp cho nhân viên đứng ở cổng làm công tác khai báo. Chúng tôi cũng trang bị 4 kiot để dùng khai báo dạng máy tính. "Nhân lực cho hoạt động khai báo sẽ tuỳ thời điểm, lúc cao điểm có thể lên tới hơn 10 người trong kíp trực hỗ trợ khai báo y tế điện tử. Tuy nhiên, đôi lúc xảy ra tình trạng nghẽn mạng khiến việc khai báo y tế điện tử gặp khó khăn", Ths.BS Ngô Quang Hùng cho biết.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, việc khai báo này còn phục vụ cho tiêm vaccine nên kiến nghị phải có tính năng để sử dụng được dữ liệu biết người đã tiêm vaccine trên hệ thống khai báo y tế.

Chú thích ảnh
Để nhanh chóng, nhiều người tự khai báo y tế điện tử trên điện thoại di động.

“Hiện nay, việc khai báo dữ liệu này sẽ vào chung hệ thống dữ liệu toàn quốc nhưng với cơ sở khám chữa bệnh mong muốn dữ liệu khai báo từ bệnh viện sẽ chuyển về cơ sở dữ liệu của chính bệnh viện đó để sử dụng bệnh viện cũng được dùng nguồn dữ liệu đó trong quản lý. Hiện nay, chỉ khi có vấn đề, chúng tôi mới gọi đến Trung tâm quản lý dữ liệu này để được cung cấp về thông tin đã khai báo của người dân. Vì vậy, tôi kiến nghị cần phải liên thông 1 cách dễ dàng giữa hệ thống chung với hệ thống quản lý của đơn vị để có thể sử dụng dữ liệu một cách tốt nhất”, PGD.TS Nguyễn Viết Nhung bày tỏ quan điểm.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết: “Theo quan triệt của Bộ trưởng Bộ Y tế, các cơ sở y tế phải thực hiện khai báo điện tử, trừ những trường hợp cần thiết mới khai báo giấy. Việc kiểm soát người ra vào, đi, đến đều kiểm soát bằng mã QR Code. Bởi việc này sẽ rất thuận tiện khi truy vết trong giai đoạn dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Sử dụng khai bản giấy mất hàng giờ để tìm bản khai nhưng khai báo y tế điện tử chỉ cần một thao tác gõ tên tuổi, số điện thoại… là có thể tìm ra. Hiện các đơn vị, bệnh viện đã thực hiện nghiêm túc quán triệt này”.

Liên quan đến quản lý dữ liệu khai báo y tế điện tử một cách thống nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thành lập Trung tâm công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia đặt tại Cục Tin học hóa. Trung tâm hoạt động thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa những chuyên gia đầu ngành của 2 lĩnh vực Y tế và TT&TT và sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam để tổng hợp dữ liệu, áp dụng các công nghệ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, phục vụ phân tích, xử lý và dự báo tình hình dịch bệnh. Hiện nay, từ nguồn dữ liệu khai báo y tế điện tử, cơ quan chức năng sẽ phục vụ truy vết các ca nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 trong cộng đồng từ các hệ thống công nghệ phòng chống dịch do Bộ Y tế và Bộ TT&TT triển khai.

Trước phản ánh của các cơ sở bệnh viện về việc nghẽn mạng khi số lượng lớn người dùng trên cả nước, ông Nguyễn Trường Nam cho biết, các đơn vị cũng có kế hoạch tăng băng thông để đáp ứng hiệu suất sử dụng. Hiện hệ thống cũng đang trong quá trình khắc phục dần những tồn tại khi đưa vào sử dụng thực tế. Cục cũng đề nghị các đơn vị, các bệnh viện thường xuyên có góp ý khi sử dụng các ứng dụng gửi về Cục Công nghệ thông tin để có cơ sở làm việc với các đơn vị cung cấp giải pháp, các đơn vị liên quan để khắc phục.

Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), tính tới ngày 18/7/2021, tổng số lượt tải Bluezone là 40.66 triệu lượt tải. Trong đó, 23,97 triệu tài khoản Bluezone có thông tin số điện thoại liên hệ. Nếu tính theo tỉ lệ cài đặt Bluezone trên tổng số điện thoại vượt trên 50% tổng số điện thoại thông minh có thì có 3 tỉnh thành là Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Dương.
Chú thích ảnh
Bài và ảnh: XC- Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Những người được hỗ trợ và các mức hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng
Những người được hỗ trợ và các mức hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), sau 2 tuần ban hành Nghị quyết 68 và hướng dẫn tại Quyết định 23, hiện Sở LĐTBXH các tỉnh, thành lập kế hoạch, rà soát lên danh sách những đối tượng và mức hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng, cũng như phương án để trình UBND ban hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN