Mạng lưới y tế cơ sở vốn là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu với chi phí hợp lý, tránh bệnh nặng mới đi điều trị. Do đó, tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho mạng lưới y tế cơ sở chính là giải pháp căn cơ giúp giảm quá tải cho các BV tuyến trên.Năm 2016, theo quy định của Luật BHYT, người dân có thể khám, chữa bệnh và được thanh toán BHYT tại bất kỳ BV quận/huyện nào mà không cần qua trạm y tế xã/phường như hiện nay. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu không sớm cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở thì tới đây, ngành y tế sẽ phải đối mặt với nguy cơ quá tải ở cả một số BV tuyến huyện.
Cần tăng nguồn lực đầu tưTheo đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) bao gồm y tế thôn, bản, xã/phường, thị trấn, quận/ huyện, thị xã. Trong đó, trạm y tế xã/phường, trung tâm y tế và BV quận/huyện là những đơn vị y tế trực tiếp triển khai các công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám, chữa bệnh cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực của YTCS vẫn còn nhiều bất cập. Cán bộ y tế tuyến xã còn yếu về chuyên môn, khả năng phát hiện bệnh sớm còn hạn chế. Những lớp tập huấn đã được mở chủ yếu do các chương trình, dự án và chỉ tập trung trong một giai đoạn nhất định. Nhiều cán bộ về công tác tại TYT từ 5 - 7 năm nhưng vẫn chưa được đào tạo lại và ít được cập nhật kiến thức mới.
Tuy đã được đầu tư, xây dựng khang trang nhưng một số khoa của BV huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, vẫn thiếu bác sĩ. Ảnh: Dương Ngọc-TTXVN |
Bên cạnh đó, YTCS còn đang phải đối mặt với tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, nhất là các trạm y tế (TYT). Theo thống kê, cả nước có khoảng 11.000 xã thì có gần 3.200 TYT xã cần xây mới và 3.597 TYT cần nâng cấp, sửa chữa… Trung bình các TYT chỉ cung cấp được 52,2% trong số 108 dịch vụ kỹ thuật cho phép, chủ yếu là do thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa được đào tạo (52,7%), không có trang thiết bị, thiết bị cũ/hỏng (45,8%).
Vậy để khắc phục những khó khăn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến YTCS trong tình hình mới, tới đây, ngành y tế các địa phương sẽ triển khai những giải pháp đột phá nào?
Theo ông Triệu Đình Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên năm 2015, ngành y tế tỉnh Điện Biên sẽ chú trọng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ y tế, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Lâu nay, tại Điện Biên, tình trạng thiếu bác sĩ, dược sĩ tại các tuyến cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn luôn là vấn đề nan giải. Thống kê cho thấy, tỷ lệ các xã có bác sĩ hoạt động chỉ ở mức 26,15%; 69/130 TYT xã xuống cấp, hư hỏng cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp…
Sở Y tế Điện Biên đã kiến nghị với UBND tỉnh huy động vốn và kêu gọi đầu tư xây dựng mới 69 TYT; sớm bổ sung biên chế cho các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà và 18 xã mới được thành lập; tiếp tục có nhiều chính sách để thu hút bác sĩ về công tác tại các huyện và xã vùng cao… Đối với các xã vùng biên giới, vùng sâu vùng xa, đề nghị được thành lập các phân trạm quân dân y kết hợp để thực hiện tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế quốc gia.
“Sở Y tế tỉnh Hà Nam xác định nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho các TYT xã/ phường tiếp tục là một trong những điểm nhấn của ngành trong năm nay. Bởi lẽ, đối với những loại bệnh thông thường, không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng lại phổ biến, việc khám và điều trị ngay tại tuyến cơ sở không những giúp chống quá tải cho BV tuyến trên, mà còn góp phần giảm tối đa chi phí cho bệnh nhân”, BS Nguyễn Xuân Quý, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam, khẳng định.
Theo BS Quý, với sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế, hơn một năm qua, Hà Nam có điều kiện để đầu tư 1.424 trang thiết bị cho toàn bộ 116 TYT. Đó là những vật dụng không đắt tiền nhưng rất cần thiết để khám và điều trị các loại bệnh thông thường như: Kim chỉ khâu, bàn đẻ, kéo, đèn soi, ống nghe… Kết quả, số người bệnh đến khám, chữa bệnh tại các TYT đã tăng hơn trước.
Cải thiện chế độ đãi ngộ
Theo nhiều chuyên gia y tế, sở dĩ tuyến YTCS, nhất là các TYT, khó tuyển được bác sỹ về công tác là do thu nhập thấp, quá ít điều kiện nâng cao tay nghề trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng.
Để khắc phục sự thiếu hụt nguồn nhân lực trên địa bàn, BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở y tế, đặc biệt là ở các quận huyện ngoại thành như: Củ Chi, Cần giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè. Theo đó, với bác sỹ chuyên khoa 2, tiến sĩ y khoa, thạc sỹ y khoa, bác sỹ nội trú, bác sỹ chuyên khoa cấp 1, bác sỹ có chứng chỉ hành nghề về công tác tại huyện Cần Giờ được trợ cấp 3 lần mức lương cơ sở/ tháng; trường hợp về công tác tại 4 huyện còn lại trợ cấp 2,5 lần mức lương cơ sở/tháng. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đang từng bước củng cố và hoàn thiện mạng lưới YTCS về tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ và cơ chế hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; đặc biệt, đẩy mạnh việc thực hiện Đề án bác sỹ gia đình để rút kinh nghiệm và triển khai rộng trong năm 2015 - 2016.
“Tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án ‘‘Đào tạo phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2010 - 2020”. Tập trung đào tạo sau đại học cho các bệnh viện, trung tâm tuyến tỉnh, đào tạo đại học y cho tuyến y tế cơ sở. Kết hợp đào tạo chuyển giao kỹ thuật theo các gói dịch vụ cho các tuyến. Tổ chức đào tạo liên tục cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã”, ông Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu, cho biết.
Theo ông Huấn, thời gian tới, Lai Châu sẽ duy trì thực hiện chính sách luân phiên cán bộ y tế cho tuyến dưới theo đề án 1816. Duy trì và phát triển mô hình đưa bác sỹ về làm việc tại tuyến xã, đồng thời tăng cường y sỹ y học cổ truyền, nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi cho các xã. Tham mưu xây dựng các chính sách, biện pháp thu hút, duy trì và tăng cường năng lực nguồn nhân lực y tế cho tỉnh. Thực hiện các chính sách đãi ngộ và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ y tế làm việc tại các xã khó khăn. Xây dựng tiêu chuẩn và quy trình đánh giá cán bộ dựa trên năng lực, kết quả, hiệu suất, năng suất lao động thực tế. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục lập đề án nâng cao chất lượng YTCS giai đoạn 2016 - 2020; trọng tâm là đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị thiết bị thiết yếu cho phòng khám đa khoa khu vực, đặc biệt các TYT chưa có nhà trạm, các TYT vùng tái định cư.
Việt Hoàng - Đan Phương - TTN