Theo đó, để chủ động đối phó với diễn biến của lũ quét, sạt lở đất, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi; bằng mọi hình thức thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh.
Theo Công điện, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo đến Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã huy động lực lượng xung kích cùng với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt triển khai kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao, các hộ dân sống ven sông, suối, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, báo cáo chính quyền và thông tin đến người dân để chủ động phòng tránh; sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra, đặc biệt lưu ý những khu vực dân cư đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất thời gian vừa qua.
Các bộ, ngành và địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra; tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến mưa, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh; chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến người dân để nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó, tránh chủ quan dẫn đến các thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra như đợt mưa lũ cuối tháng 6 tại vùng núi phía Bắc vừa qua; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ đã có mưa to đến rất to (lượng mưa 3 ngày từ 14 - 17/7 phổ biến 180-250mm), đặc biệt tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có mưa rất to, có nơi mưa trên 400mm như: Chợ Tràng (Nghệ An): 485mm, Cửa Hội (Nghệ An): 426mm, Hòa Duyệt (Hà Tĩnh): 457mm, Linh Cảm (Hà Tĩnh): 426mm. Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc Gia, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 18-20/7, khu vực Bắc bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Bình sẽ tiếp tục xảy ra mưa lớn (lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi từ 200-350mm/đợt); nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, Trung bộ, đặc biệt tại các tỉnh như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Công điện số 13 gửi Công ty Thuỷ điện Sơn La về việc đóng 1 cửa xả đáy hồ Sơn La vào 11 giờ ngày 18/7.