Tàu thuyền neo đậu tại Khu Tránh trú bão ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN |
Tính đến đầu giờ chiều 18/7, toàn bộ 2.124 tàu với 5.726 lao động tỉnh Nam Định đã vào nơi neo đậu an toàn. Các địa phương ven biển Nam Định cũng đã kêu gọi toàn bộ 1.317 lao động tại 1.024 lều, chòi ở vùng nuôi trồng thủy sản ngoài đê vào bờ.
Có mặt tại khu neo đậu tàu thuyền ở Cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu lúc hơn 11 giờ ngày 18/7, không khí tại đây rất tấp nập. Bà con ngư dân đang khẩn trương thu dọn ngư cụ, chằng buộc thuyền để về nhà tránh bão.
Ông Mai Văn Ruyến, chủ tàu cá ở xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu cho biết, sau khi nghe tin bão số 3 có thể ảnh hưởng đến vùng biển tỉnh Nam Định, tôi và một số chủ tàu đánh bắt trên vùng biển Hải Phòng đã khẩn trương đưa tàu về khu neo đậu tàu thuyền Cảng cá Ninh Cơ tránh bão để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hải Thịnh thông tin, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh Nam Định, Ban Quản lý Cảng cá Ninh Cơ đã liên hệ với chủ các phương tiện tàu, thuyền yêu cầu khẩn trương cập bến. Hiện tại Cảng cá Ninh Cơ có 139 tàu, thuyền về tránh bão; trong đó, 80 tàu đã neo đậu trong âu, còn 59 tàu đậu ngoài cầu cảng đợi nước thủy triều lên sẽ vào nơi neo đậu. Đối với những tàu trọng tải lớn, Ban Quản lý Cảng cá sẽ hướng dẫn tàu vào các cửa sông nước sâu để tránh bão.
Để tránh trường hợp tàu, thuyền vào khu neo đậu nhưng vẫn gặp sự cố do va đập dẫn đến chìm hoặc trôi tàu, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hải Thịnh đã hướng dẫn các chủ tàu sắp xếp tàu vào khu neo đậu đúng quy định; đồng thời khuyến cáo ngư dân không ở lại trên tàu khi bão đổ bộ vào đất liền để đảm bảo an toàn.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu, các địa phương, sở, ngành hoãn tất cả các cuộc họp chưa thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo triển khai ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Từ 5 giờ ngày 18/7, các địa phương ven biển Nam Định thực hiện cấm biển, không cho ngư dân ra khơi.
Các huyện, thành phố trên địa bàn triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt là đối với công trình đang thi công; rà soát chặt chẽ, triển khai phương án phòng, chống bão tại các địa phương, chuẩn bị sẵn sàng vật tư dự trữ phòng, chống lụt bão và duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ để ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.
Nam Định đã chuẩn bị sẵn sàng trên 43.300 m3 đá hộc, gần 1.300 rọ thép, hơn 600.000 bao nilon, vải chống tràn để ứng cứu hệ thống đê xung yếu khi có sự cố xảy ra.
*Để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai bất thường có thể xảy ra, tỉnh Phú Thọ đang bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhu yếu phẩm theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) tại các khu vực xung yếu, nhất là các khu vực dễ bị chia cắt để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu, kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông khi cần thiết. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Tỉnh yêu cầu các huyện, thành, thị theo dõi chặt chẽ và thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến của mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là đối với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
Các địa phương khẩn trương có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; kiểm tra, sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các vùng trũng thấp ven sông, suối, ngòi, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, bến đò ngang để đảm bảo an toàn. Cùng với đó chủ động kiểm tra vận hành các cống dưới đê sông, đê ngòi, các trạm bơm tiêu để đảm bảo ngăn lũ và tiêu úng kịp thời bảo vệ sản xuất; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động chỉ đạo xử lý tình huống và báo cáo kịp thời Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tại Phú Thọ, từ đầu năm đến nay, mưa bão đã khiến 10 nhà dân bị đổ sập, trên 1.900 nhà dân, 30 phòng học và 18 nhà văn hóa, cơ sở y tế bị tốc mái; 930m tường rào bị đổ sập; một người tại xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba bị thương, mưa lốc cũng làm hơn 1.600 ha lúa, hoa màu bị đổ, gãy.
Mưa bão cũng đã gây thiệt hại nặng cho người nuôi cá lồng tại hai huyện Thanh Thủy và Thanh Sơn, ước tính có trên 13,6 tấn cá đặc sản bị chết, thiệt hại khoảng 2,6 tỷ đồng. Mưa bão đã làm cho tình trạng sạt lở bờ sông Thao trên địa bàn xã Xuân Quang, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày càng nghiêm trọng, với chiều dài gần 250m chạy dọc theo bờ sông. Nhiều đoạn đường đã bị xẻ làm đôi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 14 hộ dân, trong đó 4 hộ dân có nguy cơ bị cô lập, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản.
Điều đáng lo ngại, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều công trình hồ, đập đã bị sụt, lún, sạt trượt, hư hỏng… Đáng chú ý, trong tổng số 108 công trình hồ chứa có dung tích từ 100.000m3 trở lên hiện có 57 trường hợp bị hư hỏng, cần được sửa chữa, duy tu; trong đó, về đập đất có 24 công trình thấm nước qua thân đập và sạt trượt mái đập; 26 cống lấy nước bị rò rỉ, sập, vỡ và hư hỏng van điều tiết; 7 tràn xả lũ bị hư hỏng.