Lợi thế
Gần một năm đưa vào vận hành (từ ngày 2/12/2021), đến nay Hà Nội đã có 9 tuyến buýt điện khai thác, đều do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus thực hiện và đang cho thấy hiệu quả hoạt động nhờ thu hút hành khách và kết nối thuận tiện.
Nhiều hành khách đã dần làm quen với các tuyến buýt điện tại Bến xe Mỹ Đình chia sẻ, xe buýt điện ngày càng thu hút nhiều người sử dụng vì phương tiện sạch, thân thiện với môi trường, tác phong lái xe và nhân viên phục vụ luôn niềm nở chào đón từng hành khách và không ít hành khách đã chuyển từ phương tiện cá nhân sang đi buýt điện...
Theo ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, 9 tháng năm 2022, sản lượng hành khách đạt 8,4 triệu lượt (chiếm 6,8% so với tổng sản lượng của toàn mạng trợ giá). Sản lượng hành khách liên tục tăng trưởng qua các tháng, đặc biệt là sau khi dịch được kiểm soát (quý II/2022 tăng 310% so với quý I/2022, quý III/2022 tăng 55,9% so với quý II/2022). Số lượng hành khách sử dụng vé tháng 1 tuyến để đi lại trên các tuyến xe buýt điện bình quân 1 tháng đạt 2.749 hành khách. Sở GTVT Hà Nội đang đề xuất UBND TP gia hạn thời gian đặt hàng thí điểm đối với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện đến hết năm 2023.
Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành GTVT, trong lĩnh vực giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Nhiều chuyên gia giao thông cho biết, việc thay thế xe buýt thường sang xe buýt điện hiện nay là cần thiết để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, mức độ phát thải khí nhà kính của xe buýt thường từ khi vận hành đến hết niên hạn sử dụng. Song, vấn đề đặt ra hiện nay là phương tiện vận tải hành khách công cộng chạy điện giá thành cao, cần nhiều hỗ trợ từ Nhà nước, đơn cử xe buýt điện VinBus giá khoảng 7 tỷ đồng/xe, đắt gấp 2 - 2,5 lần xe buýt thường…
Liệu có khả thi?
Theo thống kê của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), đơn vị vận hành 70% mạng lưới xe buýt ở Thủ đô, Hà Nội hiện có 83 tuyến buýt đấu thầu, 1 tuyến buýt BRT đặt hàng, với tổng số phương tiện gần 1.100 xe. Dự kiến tổng số phương tiện của doanh nghiệp đủ điều kiện đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% đoàn phương tiện hiện có. Các phương tiện vẫn còn niên hạn sử dụng sau khi đấu thầu lại từ năm 2025 sẽ được thay thế dần trong 2 - 4 năm kể từ khi đấu thầu lại.
Còn tính chung, toàn mạng lưới buýt trợ giá trên địa bàn Hà Nội hiện có 130 tuyến, với 1.996 phương tiện, gồm có 387 xe buýt nhỏ (15,5%), 1.190 xe buýt trung bình (59,3%), 389 xe buýt lớn (25,2%). Trong đó, tuổi đời theo năm sản xuất thì tỷ lệ số xe dưới 5 năm là 1.050 xe (chiếm 53%) và xe có tuổi đời 5 - 10 năm là 916 xe (chiếm 47%). Hiện nay, đoàn phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh là 220 xe (chiếm 11%) gồm 81 xe buýt điện, 139 xe CNG; còn lại là 1.746 xe buýt diesel (chiếm 89%).
Theo chủ trương của Chính phủ, từ năm 2025, các xe buýt thay thế, đầu tư mới phải sử dụng điện và năng lượng xanh; còn các xe buýt diesel đang hoạt động theo kế hoạch đấu thầu, trong giai đoạn 2023 - 2025 hết hạn thầu (phải đấu thầu lại), trường hợp đến năm 2025 trở đi, phương tiện hoạt động trên 10 năm phải thay xe mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Trường hợp xe hoạt động từ 10 năm trở xuống (tính theo năm sản xuất) thì được tiếp tục sử dụng tối đa đến 10 năm. Vì vậy, tiến trình này có thể thực hiện được vì các doanh nghiệp có thời gian xây dựng kế hoạch, lộ trình thay thế đoàn phương tiện phù hợp; cơ quan quản lý Nhà nước lên kế hoạch đấu thầu, mở mới các tuyến buýt…
Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là nguồn cung cấp xe buýt điện và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe buýt điện. Việt Nam hiện mới có duy nhất VinFast sản xuất xe buýt điện và đang thí điểm 9 tuyến tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc và chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, định mức kinh tế kỹ thuật riêng cho xe buýt điện. Vấn đề này cần sớm được các cơ quan chức năng xây dựng và ban hành quy chuẩn, để đưa xe buýt điện vào vận hành số lượng lớn.
Vấn đề lớn nữa là sự thiếu hụt hệ thống trạm sạc điện cho xe buýt điện. Do đó, cần có các biện pháp hỗ trợ của đơn vị điện lực khu vực ở cơ sở, dưới sự điều phối của chính quyền thành phố, nhằm bảo đảm nguồn cấp điện và an toàn cho nhu cầu sạc xe buýt điện.