Xe buýt điện - Giải pháp hiệu quả cho giao thông công cộng ở Thủ đô

Xen lẫn giữa biển phương tiện giao thông hỗn hợp trên các đường phố Thủ đô, những chiếc xe buýt điện ưu điểm chạy 100% năng lượng điện, hoàn toàn không phát thải, không có mùi gây say xe và không gây ô nhiễm tiếng ồn đô thị, xe buýt điện sản phẩm của VinFast được vận hành bởi VinBus đang ngày càng hút khách.

Chú thích ảnh
Các tuyến xe buýt điện đều do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (Tập đoàn Vingroup) thực hiện. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

“Giá xăng tăng cao quá, may lại có tuyến buýt điện E08 chạy qua khu đô thị Ngoại giao đoàn nên tôi quyết định để ô tô ở nhà chuyển sang đi xe buýt vài tháng nay. Xe buýt mới, tiện nghi, thái độ phục vụ văn minh, lịch sự nên tôi cảm thấy rất thoải mái. Tuy nhiên chuyển sang đi xe buýt phải qua nhiều điểm đỗ nên buổi sáng tôi phải thu sếp đi sớm hơn”, chị Bích Hường công tác tại một tổ chức quốc tế chia sẻ.

Lên tuyến buýt E06 từ Bến xe Giáp Bát – Khu đô thị Vinhomes Smart City, sau đó từ khu đô thị Vinhomes Smart City chuyển sang buýt E09 đến điểm nhà chờ trên đường Khuất Duy Tiến; rồi từ đây lên xe E01 để về khu đô thị Ocean Park (Gia Lâm), chị Hà Thanh ở phường Hoàng Liệt bày tỏ sự hài lòng với chất lượng và thái độ phục vụ của nhân viên trên xe.

“Cảm ơn, xin chào” là những câu tôi được nghe khi bước lên xe buýt điện, chỉ cần nhìn lên dòng chữ chạy trên xe là tôi có thể buýt điểm dừng sắp tới, xe sạch sẽ, không có mùi xăng dầu nên tôi cảm thấy rất hài lòng. Dịch vụ văn minh, lịch sự nên hành khách cũng phải có ý thức khi lên xe, chị Hà Thanh (phường Hoàng Liệt) vui vẻ cho biết.

So sánh giữa xe buýt truyền thống và xe buýt điện, một số lái, phụ xe và hành khách đi xe buýt cho rằng, ngoại trừ gầm xe buýt điện hơi thấp thì buýt điện có ưu điểm vượt trội là chạy bằng điện sẽ giảm được chi phí do xăng dầu lên giá, xe hiện đại, không chạy không có tiếng ồn, không có khí thải. Nhân viên xe buýt điện được đào tạo để phục vụ hành khách tốt nhất, sẵn sàng trả lời các câu hỏi của hành khách. Những điều rất nhỏ đó đôi khi lại làm nên sự thay đổi lớn cho hành khách trong cách nhìn nhận về xe buýt ở Thủ đô.

Từ tuyến buýt điện đầu tiên được đưa vào vận hành từ tháng 12/2021, đến nay Hà Nội đã có thêm 8 tuyến buýt điện được đưa vào khai thác, gồm: tuyến E01: bến xe Mỹ Đình - Ngã Tư Sở - Khu đô thị Ocean Park; tuyến E02: Hào Nam - Long Biên – Khu đô thị Ocean Park; tuyến E03: Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Thái Hà – Khu đô thị Ocean Park; tuyến E05: Long Biên - Cầu Giấy – Khu đô thị Smart City; tuyến E06: Bến xe Giáp Bát - Bến xe Nước Ngầm – Khu đô thị Smart City; tuyến E07: Long Biên - Bờ Hồ - Khu đô thị Smart City tuyến E08: Khu Liên cơ Sở ngành Hà Nội - Khu Ngoại giao Đoàn – Khu đô thị Times City; tuyến E09: Khu đô thị Smart City - công viên nước Hồ Tây.

Việc đưa vào vận hành các tuyến buýt điện kết nối với các khu đô thị của VinBus bước đầu đã đem lại kết quả tích cực, thu hút ngày càng đông hành khách đi xe. Không chỉ giờ cao điểm mà ngay cả các khung giờ thấp điểm xe buýt điện vẫn thu hút khá đông hành khách.

Tần suất hoạt động của các tuyến từ 15 – 20 phút/chuyển, hoạt động xuyên suốt từ 5 giờ đến 21 giờ hàng ngày. Các tuyến của VinBus đều nằm trong hệ thống giao thông công cộng chung của thành phố, kết nối các khu vực đông dân cư và các điểm thu hút như trường học, bến xe, khu đô thị, khu vui chơi giải trí và các điểm chung chuyển xe buýt lớn cũng như tuyến đường sắt đô thị 2A.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, xe buýt điện và buýt thường đều cùng một hệ thống quản lý. Tất cả các lái, phụ xe của buýt điện hay buýt thường đều áp thời gian chuyến như nhau, đảm bảo nhanh, thuận tiện, an toàn. Tuy nhiên, thống quản lý chất lượng và quản lý vận hành, quản lý nhân sự của doanh nghiệp vận hành hai loại buýt là khác nhau.

Theo ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, các tuyến buýt điện sau một thời gian đưa vào khai thác được khách hàng đánh giá cao và ngày càng hút khách. Dự kiến trong những năm tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp mở thêm các tuyến khác nữa. Buýt điện đưa vào vận hành ngoài việc phát huy vận tải khách công cộng còn đóng góp tích cực trong việc chống ô nhiễm không khí và tiếng ồn trên các tuyến đường nội đô.

Tại lễ khai trương tuyến buýt điện đầu tiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, các tuyến xe buýt điện với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, hệ thống vé điện tử văn minh hiện đại đánh dấu một bước phát triển mới của mạng lưới xe buýt Thủ đô. Đây cũng chính là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố và là một điểm sáng của giao thông đô thị Thủ đô năm 2021, tạo ra một bước ngoặt mới trong quá trình xây dựng hệ thống giao thông xanh.

Giá vé cho các chuyến xe buýt điện được áp dụng theo chính sách giá vé chung của các tuyến xe buýt thành phố, giá vé lượt từ 7.000 -9.000 đồng, vé tháng từ 55.000 - 200.000 đồng, trong đó đối tượng ưu tiên (học sinh sinh viên, công nhân Khu công nghiệp là 55.000 đồng đối với vé 1 tuyến và 100.000 đồng đối với vé liên tuyến. Đối tượng bình thường là 100.000 đồng đối với vé 1 tuyến và 200.000 đồng đối với vé liên tuyến; miễn phí đối với người cao tuổi, người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo...

Đặc biệt, người dân Thủ đô lần đầu tiên được trải nghiệm hình thức thẻ, vé điện tử trên các tuyến xe buýt điện. Chỉ với vài thao tác đơn giản, hành khách có thể đăng ký thẻ, mua vé tháng trực tuyến trên website: vedientu.vinbus.vn hoặc thông qua mục VinBus trên ứng dụng VinID, thanh toán nhanh chóng, tiện lợi bằng thẻ Napas hoặc ví VinID.

Đồng thời, khi mua vé trực tiếp trên xe buýt điện VinBus, hành khách có thể lựa chọn sử dụng thẻ chip nội địa không tiếp xúc từ một số ngân hàng.

“Tôi rất ít đi xe buýt nhưng nay có việc phải vào Hà Đông, từ  phố Trương Định tôi đi 2 chặng xe buýt mới lên được xe này nhưng cảm thấy rất thích vì xe đẹp, chạy êm, nhân viên lịch sự. So với các phương tiện khác như taxi, xe ôm, xe máy thì đi phương tiện này tôi cảm thấy rất hợp lý. Giá vé bình dân ai cũng có thể đi được nhưng chất lượng phục vụ tốt.

Bây giờ buýt điện cũng đã có mặt ở nhiều tuyến phố, nên chắc chắn tôi sẽ bỏ xe máy để thường xuyên đi buýt điện”, quyết định thay đổi phương tiện tham gia giao thông này của chị Nguyễn Thị Kim Ngân (phố Trương Định) chính là cái đích mà ngành buýt muốn đạt tới. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen trong việc đi lại của người dân là điều không đơn giản nếu không có những thay đổi "đột phá".

Thành phố Hà Nội đang nỗ lực giải quyết bài toàn ùn tắc giao thông ở Thủ đô; trong đó, phát triển vận tải hành khách công cộng để thay thế xe máy là giải pháp cơ bản, chủ yếu để giải bài toán này.

VinBus tuy mới góp mặt vào thị trường vận tải hành khách công cộng chưa lâu nhưng đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội, đặc biệt là hình ảnh về loại hình giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường nhưng lại có mức đầu tư, chi phí vận hành thấp.

“Một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân”, dịch vụ xe buýt ở Thủ đô cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa từ phương tiện đến chất lượng dịch vụ mới có thể tạo đột phá trong phát triển vận tải hành khách công cộng ở Thủ đô.

Tuyết Mai (TTXVN)
Tây Ninh hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua xe buýt mới
Tây Ninh hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua xe buýt mới

Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh đã triển khai gói chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cho các đơn vị vận tải, hợp tác xã tại Tây Ninh, nhằm hỗ trợ khuyến khích đầu tư, đổi mới phương tiện xe buýt trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN