Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ xung quanh vấn đề này.
Thứ trưởng cho biết quan điểm, các chính sách trong phát triển hệ thống vận tải hành khách nội đô trên cả nước hiện nay như thế nào?
Chúng tôi luôn coi phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng trong giao thông đô thị tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt tại đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ là một trong những vấn đề bức thiết hiện nay. Phát triển vận tải hành khách công cộng nhằm giải quyết tối đa thực trạng ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo thuận lợi đi lại của người dân và nâng cao cảnh quan, văn minh đô thị.
Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đang đẩy mạnh phát triển phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn đối với các đô thị lớn, trước mắt là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; phát triển vận tải ở các đô thị theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại, an toàn, tiện lợi.
Để đẩy mạnh phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; trong đó quy định các cơ chế, chính sách về quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện vận tải; hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải; trợ giá cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.
Trong đó, ưu tiên bố trí đủ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho công tác lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi như: vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Ngoài ra, Chính phủ cũng miễn thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện thuộc loại trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch; trợ giá cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt..
Thứ trưởng đánh giá thế nào về thực trạng và những bất cập của hệ thống vận tải hành khách công cộng trong nội đô hiện nay?
Mặc dù thời gian qua, hệ thống vận tải hành khách công cộng; trong đó chủ yếu là xe buýt đã được đầu tư, quan tâm ở những đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhưng về cơ bản do nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị phát triển chưa theo kịp yêu cầu tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị, tính chất về tổ chức dân cư không tập trung, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông còn ở mức cao; việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã có chuyển biến, nhưng còn chậm và chưa đồng bộ.
Mạng lưới vận tải hành khách công cộng tuy được điều chỉnh phù hợp và mở rộng, nhưng vẫn còn hạn chế; chất lượng dịch vụ dù đã được cải thiện song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mới chỉ có duy nhất loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và xe buýt nhanh; đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng…
Do tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng nhanh cùng với sự gia tăng rất lớn về phương tiện giao thông cá nhân dẫn đến tình trạng quá tải về kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, ùn tắc giao thông. Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông, văn hóa giao thông dù có nhiều cố gắng,nhưng hiệu quả chưa cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông còn hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả.
Theo Thứ trưởng, giải pháp tổng thể phát triển giao thông công cộng nội đô sẽ như thế nào nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội?
Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải vẫn tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các quy hoạch đã được duyệt. Đặc biệt, giai đoạn 2019 - 2021 tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021. Trong đó, Bộ tập trung thực hiện các giải pháp đối với Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thiện, cụ thể hóa đồ án Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng phương án quy hoạch không gian ngầm, mặt đất và không gian trên cao, trình Chính phủ phê duyệt.
Tiếp theo sẽ có chính sách ưu tiên ngân sách và huy động các nguồn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là các trục hướng tâm, khép kín các đường vành đai, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, bến, bãi đỗ xe, cảng thủy nội địa; các công trình hạ tầng giao thông kết nối cảng hàng không, cảng biển trọng điểm trên địa bàn; tăng cường kiểm tra việc duy tu, duy trì, đảm bảo cầu, đường êm thuận phục vụ giao thông thông suốt, an toàn.
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị gắn với cơ sở dữ liệu kết nối toàn bộ hệ thống giám sát hành trình xe ô tô, camera giao thông, đèn tín hiệu giao thông trong đô thị trên các tuyến đường để quản lý điều hành giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục xã hội hóa phát triển vận tải hành khách công cộng và dịch vụ hỗ trợ vận tải; mở các tuyến buýt kế cận từ trung tâm đô thị kết nối với địa phương xung quanh; lựa chọn xe buýt có sức chứa phù hợp với hạ tầng và nhu cầu đi lại của người dân.
Để thu hút các nguồn lực phát triển giao thông công cộng trong nội đô cần thêm các giải pháp nào, thưa Thứ trưởng?
Trong giai đoạn hiện nay, khả năng nguồn lực của đất nước dành cho đầu tư phát triển nói chung, nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông vận tải nói riêng tiếp tục còn hạn chế. Chính vì vậy, để phát triển giao thông công cộng trong nội đô theo tôi cần đa dạng nguồn lực đầu tư, kết hợp nhiều nguồn vốn. Việc tập trung nguồn lực cơ sở địa phương chính là một trong những yếu tố cần phát huy.
Ngoài ra, Chính phủ cần tạo điều kiện cho địa phương có thể huy động được nhiều vốn hơn từ các nguồn như: hỗ trợ phát triển, phát hành trái phiếu và vốn từ các ngân hàng thương mại hay cơ chế khai thác từ quy hoạch phát triển quỹ đất, vốn đóng góp từ cộng đồng.
Bên cạnh ưu tiên tập trung nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, thì rất cần thiết phải huy động tối đa nguồn lực đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Việc trước tiên tôi cho rằng cần phải làm là xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, môi trường mở để lấy niềm tin của người dân, sự hứng khởi của các nhà đầu tư trong nước cũng như có thêm lực hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với sự tham gia của tư nhân cùng với nguồn lực nhà nước sẽ xây những con đường mới mang tính kết nối, lan tỏa.
Xin cám ơn Thứ trưởng!