Xanh, sạch, đẹp, rẻ
Sau gần nửa tháng vận hành, tuyến xe buýt điện đầu tiên của Hà Nội và cả nước đang dần thu hút hành khách. TP Hà Nội lên kế hoạch mở thêm 9 tuyến mới.
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày qua tại nhà chờ tuyến xe buýt điện đầu tiên trên đường nội khu Smart City có đông hành khách đứng chờ 2 tuyến buýt điện E03 Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park và E05 Long Biên - Khu đô thị Smart City.
Hành khách đều tuân thủ các quy định phòng dịch. Thực tế này cho thấy xe buýt điện với những ưu điểm vượt trội so với buýt truyền thống đang dần thu hút hành khách.
Khác với buýt truyền thống, việc bán vé được thực hiện trên thiết bị điện tử, vé sẽ được in trực tiếp ghi rõ giá vé, thời gian xuất vé… Ngoài vé tháng, tiền mặt để trả tiền vé, hành khách có thể sử dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ NAPAS do các ngân hàng Việt Nam phát hành.
Nhiều hành khách chia sẻ hài lòng vì sự thuận tiện của xe buýt điện, nếu nhân rộng sẽ có thể thay thế phương tiện cá nhân. Chị Nguyễn Thu Nga, ở Khu đô thị Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội cho biết, hành khách lên xe được lái, phụ xe chào hỏi, hướng dẫn vào vị trí ngồi, xe chạy êm ái, không có cảnh vội vàng, xô đẩy... Đi xe buýt điện văn minh như thế này, ai cũng hài lòng.
Bên cạnh đó, giá vé buýt điện chỉ 9.000 đồng/vé có thể đi hết tuyến dài hơn 30 km. Trên xe có trang bị nhiều camera an ninh, khiến hành khách an tâm trước dịch bệnh, tê nạn xã hội... đây cũng là những điểm cộng cho loại hình vận tải hành khách công cộng mới này.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc kiểm tra không báo trước thường xuyên các biện pháp phòng chống dịch của các lực lượng chức năng trên mỗi chặng buýt điện hiện nay vừa mang lại sự yên tâm, hài lòng cho hành khách, vừa quản lý chặt chẽ công tác chấp hành các quy định y tế của lái, phụ xe.
Chờ đợi nhiều tuyến buýt điện mới
Theo ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội (Tramoc), từ ngày 2/12 - 14/12, tuyến E03 đã có 10.600 hành khách sử dụng vé lượt, chưa kể hành khách vé tháng liên tuyến và ưu tiên. Sản lượng vé lượt đạt cao nhất toàn mạng lưới buýt trong điều kiện dịch bệnh, giới hạn 20 người/xe tại một thời điểm. Để người dân được đi xe buýt điện với giá thành rẻ, thành phố đã chi 4,4 tỷ đồng cho 3 tuyến buýt điện riêng trong tháng 12/2021.
Qua tìm hiểu, xe buýt điện sử dụng nhiên liệu sạch, đạt tỷ lệ phát thải ra môi trường bằng 0 và ô nhiễm tiếng ồn thấp. Hàng loạt công nghệ mới lần đầu cũng được ứng dụng phục vụ trên xe buýt điện như: Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo để kiểm soát vận hành online, kiểm soát được hành vi của lái xe, lộ trình và giúp quản lý được tất cả mọi hoạt động trên tuyến trong ngày...
Theo kế hoạch của, từ nay đến hết năm 2022, Hà Nội sẽ mở 9 thêm tuyến xe buýt điện, với 139 phương tiện (tháng 12/2021 sẽ có 3 tuyến, 6 tuyến còn lại sẽ mở năm 2022). Mục tiêu của TP Hà Nội trong kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch lên từ 5 - 20%. Thành phố hiện có gần 70 phương tiện nhiên liệu sạch, đáp ứng được khoảng 6%. Trong năm 2022, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 16%.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, Thành phố sẽ từng bước nâng dần số lượng xe buýt điện đang sử dụng hiện nay để thay thế các tuyến buýt truyền thống. Tuy nhiên, các tuyến buýt điện mở mới căn cứ theo các tiêu chí hoạt động trong các khu đô thị mới, có nhu cầu đi lại cao, tiếp cận với hành lang tuyến đường sắt đô thị.
Tuyến xe buýt điện đầu tiên E03 chạy qua các tuyến đường trung tâm, kết nối phía Đông và phía Tây thành phố, với 15 điểm dừng bao gồm: Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Nguyễn Hoàng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà - Chùa Bộc -Phạm Ngọc Thạch - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - cầu Vĩnh Tuy - Aeon Mall Long Biên - Cổ Linh - KĐT Ocean Park. Tuyến E05 lộ trình Long Biên - Yên Phụ - Thanh Niên - Thụy Khuê - Đào Tấn - Cầu Giấy - Xuân Thủy - Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long - KĐT Smart City. Tần suất hoạt động của các tuyến từ 15 - 20 phút/chuyến, hoạt động từ 5 - 21 giờ hàng ngày.