Liên quan đến vấn đề này, tỉnh Nghệ An cũng chưa chấp nhận đề xuất của huyện Quỳnh Lưu đổi tên 2 xã sau sáp nhập là xã Đôi Hậu. Tỉnh Nghệ An yêu cầu huyện Quỳnh Lưu rà soát, báo cáo lại việc đổi tên sau sáp nhập để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trước đó, huyện đã gợi ý cho nhân dân 2 xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi đổi tên thành Quỳnh Anh sau sáp nhập, nhưng cán bộ, đảng viên và người dân không đồng tình bởi Quỳnh Anh ngày xưa là xã Quỳnh Đôi với Quỳnh Thanh chứ không có Quỳnh Hậu. Việc khó nhất hiện nay là tuyên truyền cho người dân 2 xã đồng thuận với tên mới Quỳnh Đôi.
Trước đó, UBND huyện Quỳnh Lưu đã có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An về việc điều chỉnh tên gọi của đơn vị hành chính sau khi sắp xếp đối với 15 xã sau sáp nhập thành 7 xã mới. Tuy nhiên đa phần các ý kiến cho rằng việc xóa bỏ tên xã gắn liền với lịch sử, văn hóa đặc sắc lâu đời là chưa phù hợp. Tên xã sau sáp nhập còn mang tính cơ học, không có ý nghĩa. Theo đó, cần có sự nghiên cứu, thẩm định và đồng nhất để tên xã sau sáp nhập vẫn giữ được hồn cốt địa danh...
Theo sử sách ghi chép, xã Quỳnh Đôi được hình thành năm 1378. Ban đầu, làng có tên là Thổ Đôi Trang, đến năm 1528, được gọi là Quỳnh Đôi. Từ xa xưa, Quỳnh Đôi đã nổi danh với tên gọi “làng khoa bảng”, được dân gian truyền tụng: “Bắc Hà - Hành Thiện, Hoan Diễn - Quỳnh Đôi” để nói đến 2 ngôi làng nổi tiếng ở miền Bắc và miền Trung về truyền thống hiếu học, là đất “địa linh nhân kiệt” nơi sinh ra nhiều danh nhân. Năm 1966, xã Quỳnh Đôi vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 1998, xã Quỳnh Đôi được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” đầu tiên của tỉnh Nghệ An.
Như TTXVN đã đưa tin về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Nghệ An đến năm 2025, sau khi sáp nhập, sắp xếp, tỉnh sẽ còn 20 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 1 đơn vị do sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh), còn 411 đơn vị hành chính cấp xã với 364 xã, 18 thị trấn, 29 phường (giảm 46 xã, 3 phường). Việc lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được thực hiện trước ngày 10/5, thông qua HĐND cấp xã trước ngày 15/5, thông qua HĐND cấp huyện trước ngày 25/5.
Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo hình thức phát phiếu, trình tự, thủ tục, thời gian, mẫu phiếu lấy ý kiến cử tri và các nội dung khác thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Sau khi thực hiện các quy trình về lấy ý kiến cử tri, UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo kết quả để UBND tỉnh tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.