Giá sữa tăng liên tục
Theo Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại - CN&TM (Bộ Công Thương), ngay từ đầu tháng 4/2013, giá sữa trên thị trường vẫn tiếp tục biến động với việc hãng Nestle tăng giá một số sản phẩm. Hãng này đã tăng giá thêm 8 - 9% so với trước với lý do chi phí đầu vào tăng như: Giá nguyên liệu, nhân công, xăng và tỷ giá USD/VND tăng.
Từ đầu tháng 4 đến nay, giá sữa trên thị trường liên tục tăng. |
Báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước cũng cho hay: Một số loại sữa nhập khẩu cũng tăng giá trong tháng này như: Sữa bột Meiji, Angelac và Angel Grow với mức tăng từ 8 -15%; một số dòng sữa nước nhập khẩu chủ yếu từ New Zealand, Australia, Pháp... cũng tăng giá từ 7 - 8%. Nguyên nhân của đợt tăng giá sữa lần này là do các hãng sữa thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm và do chi phí đầu vào tăng.
Trước đó, Tổ điều hành cho biết, nhiều sản phẩm sữa sau khi hết thời hạn đăng ký theo quy định đã đăng ký lại sản phẩm sữa công thức với tên gọi mới là sản phẩm dinh dưỡng. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý giá và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Trong số những sản phẩm đăng ký lại có các sản phẩm như: Anfalac A+ cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi hay Anfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi; thức ăn công thức dinh dưỡng (Lactogen Gold dành cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi); sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt (Pediasure dành cho trẻ từ 1 - 10 tuổi); thực phẩm bổ sung (Friso Gold cho trẻ từ 1 - 3 tuổi).
Kiến nghị đưa sản phẩm dinh dưỡng vào diện bình ổn giá
Không chỉ thay đổi bao bì, các doanh nghiệp còn viện ra nhiều cớ để tăng giá sữa. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay còn có một thực tế, một số công ty nhập nguyên liệu từ nước ngoài và kê khai là nguyên liệu sữa để được giảm thuế theo chính sách dành cho hàng bình ổn giá. Khi đưa hàng về Việt Nam, các công ty trộn thêm hương liệu và một số thành phần khác rồi bán ra thị trường với tên gọi là thực phẩm bổ sung dưỡng chất, thức ăn công thức… chứ không phải sữa. Với hình thức kinh doanh lách luật này, các công ty vừa được hưởng thuế ưu đãi vừa được tự điều chỉnh giá bán mà không phải chịu sự quản lý giá của Bộ Tài chính.
Một trong những lý do khiến các hãng sữa tha hồ lách luật để đổi tên, nhãn mác thời gian qua là theo Luật Giá (có hiệu lực từ đầu năm 2013), chỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mới nằm trong mặt hàng bình ổn giá. Sản phẩm dinh dưỡng nằm trong danh mục thức ăn bổ sung, trong đó có sữa đậu nành, sữa chua… Vì vậy, để bình ổn giá cũng như kiểm soát được các mặt hàng này, Bộ Y tế cần phải chuẩn hóa tên mặt hàng, từ đó kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét đưa sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung vào danh mục mặt hàng bình ổn giá.
Tại tọa đàm trực tuyến "Thị trường sữa: Giá cả và chất lượng" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm qua (26/4), ông Phạm Vũ Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: “Trong chuỗi quản lý sản phẩm, chúng ta phải làm tốt các khâu. Ví dụ, khi nhập một sản phẩm ta phải biết nó là cái gì… DN nào cố tình thay tên đổi nhãn thì cơ quan quản lý thị trường sẽ xử lý doanh nghiệp đó”.
Theo ông Vũ Anh, để quản lý giá mặt hàng này, ngay từ đầu năm, Cục Quản lý giá đã có công văn gửi các Sở Tài chính hướng dẫn lại về cách quản lý giá như thế nào, đăng ký giá ra làm sao? Tính đến thời điểm hiện nay, trong số 63 tỉnh, thành thì gần 30 địa phương có báo cáo về Cục. Theo đó, các sở phối hợp với Sở Công Thương, các cơ quan thuế tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về giá đối với mặt hàng sữa và những sản phẩm dinh dưỡng.
Đề cập tới vấn đề này, ông Lê Hoàng- Phó phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Danh sách các sản phẩm đã được phép lưu hành đều được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục tại địa chỉ vfa.gov.vn và người dân có thể truy cập vào đây để biết thêm thông tin. Hiện Luật Giá đã quy định những hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá, Bộ Tài chính đã trình dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giá, trong đó nêu rõ Bộ Y tế sẽ quy định cụ thể danh mục hàng hóa bình ổn giá thuộc lĩnh vực Bộ quản lý.
Minh Phương